Ở Việt Nam, ung thư gan (một biến chứng của viêm gan B) ở nam giới đứng thứ ba sau ung thư phổi và ung thư dạ dày.
Mới đây, hội thảo khoa học “Ung thư gan” do Hội Y học dự phòng Việt Nam tổ chức ở TP.HCM với sự tham dự của hơn 250 bác sĩ trên toàn quốc. Hội thảo nhằm giới thiệu, cập nhật thông tin khoa học về mối liên quan chặt chẽ giữa ung thư gan và viêm gan B, đồng thời nhấn mạnh đến việc giảm thiểu tỷ lệ ung thư gan tại Việt Nam. Hội thảo đặt ra giải pháp giảm thiểu gánh nặng kinh tế cho người dân, áp lực cho các bệnh viện cũng như hệ thống y tế dự phòng cần đẩy mạnh công tác chích ngừa viêm gan B cho người dân, không chỉ cho trẻ em mà còn cho người lớn. Hội thảo còn đề cập đến vai trò giáo dục và tư vấn của cán bộ y tế trong hệ thống y tế dự phòng là rất quan trọng và mang yếu tố quyết định.
Thuốc cũ không hiệu quả, thuốc mới quá đắt
Nói về chi phí và hiệu quả điều trị viêm gan B, BS Nguyễn Hữu Chí, ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết các loại thuốc thế hệ cũ hiện nay có hiệu quả điều trị không cao. Trong khi đó, các thuốc thế hệ mới thì rất đắt tiền, khoảng 6.000 đến 18.500 USD cho một năm điều trị, quá khả năng chi trả của đa số người dân. Theo BS Chí, điều quan trọng nhất là quá trình điều trị không kiểm soát được yếu tố cốt lõi (cccDNA) trong chu trình sinh bệnh học viêm gan B. Vì vậy, chủng ngừa viêm gan B không những hiệu quả, tiết kiệm mà còn là biện pháp hữu hiệu trong kiểm soát viêm gan B, sau đó mới quan tâm đến hiệu quả điều trị.
Bên cạnh đó, BS Francis E. Andre, cố vấn chủng ngừa học của Bỉ, cho biết: Kinh nghiệm từ các nước cho thấy các chương trình tiêm chủng viêm gan B có tác động rất lớn đến tần suất ung thư gan. BS Francis đã trích dẫn một nghiên cứu ở Đài Loan và Hàn Quốc cho thấy: Lộ trình chủng ngừa viêm gan B từ những năm đầu thập niên 1980-1990 ở những trẻ em (từ cấp 1 đến cấp 3) được sinh ra từ người mẹ bị nhiễm viêm gan B và mở rộng hơn cho người lớn, kết quả là tần suất ung thư gan tương ứng giảm phân nửa ở trẻ em Đài Loan 6-14 tuổi và giảm 27 lần ung thư gan nguyên phát ở nam giới trên 30 tuổi. Thông qua kết quả này, BS Francis đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của cán bộ y tế dự phòng trong các chiến dịch chích ngừa viêm gan B cho người dân, đặc biệt là vai trò tư vấn và giáo dục thông qua những thông tin và gánh nặng về ung thư gan do viêm gan B gây ra.
Vai trò của cán bộ truyền thông sức khỏe
Xác định được tầm quan trọng của cán bộ truyền thông sức khỏe, BS Tường Vi, Giám đốc khối vắc-xin của VPĐD GlaxoSmithKline (GSK), khẳng định: GSK cam kết đồng hành với ngành y tế trong các hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, sức khỏe cộng đồng, hỗ trợ cán bộ y tế. Bởi vì họ là những người tiên phong trong khám, điều trị và tư vấn cho người dân, gián tiếp cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giúp mọi người làm được nhiều việc hơn, khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn.
Thực tế hiện nay trong cộng đồng, nhiều người dân thật sự chưa hiểu biết nhiều về bệnh lý viêm gan, mặc dù bệnh viêm gan (đặc biệt là bệnh viêm gan B) để lại những gánh nặng to lớn về thể chất cũng như tinh thần với những biến chứng nghiêm trọng. Điều đáng lo ngại là sự hiểu biết trong cộng đồng về viêm gan B còn thấp.
Trong khi đó, theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 12 người trên thế giới thì có một người bị nhiễm viêm gan B hoặc viêm gan C. WHO đã xác định viêm gan B là gánh nặng toàn cầu với khoảng 400 triệu người nhiễm virus viêm gan B mạn tính, trong đó châu Á-Thái Bình Dương chiếm khoảng 75% (tức là khoảng 289 triệu người) và Việt Nam nằm trong khu vực này với tần suất nhiễm khoảng 10%-15% dân số).
Trong khi đó, theo nghiên cứu của TS Nguyễn Chấn Hùng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM: Ở Việt Nam, ung thư gan (một biến chứng của viêm gan B) ở nam giới đứng thứ ba sau ung thư phổi và ung thư dạ dày.
Nguồn:
http://plo.vn/thi-truong-tieu-dung/giam-thieu-ung-thu-gan-nho-vacxin-viem-gan-b-242587.html
Bài viết tương tự
Thuốc Beprasan có công dụng gì? Strataderm là thuốc của nước nào? Có công dụng gì? Thuốc Esomaxcare chữa bệnh gì? Thuốc Yumangel có công dụng gì? 7 cách trị cảm cúm cho bà bầu hiệu quả – Không cần thuốc Hiện nay có bao nhiêu loại nấm lim xanh?