Kiệt quệ vì ung thư
Kết quả nghiên cứu mới đây về chi phí điều trị ung thư tại Việt Nam đối với gần 2.000 bệnh nhân tại 3 trung tâm điều trị ung thư lớn nhất cả nước: Bệnh viện K Trung ương,Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chỉ ra rằng, chỉ sau 1 năm phát hiện bệnh, gia đình có bệnh nhân ung thư sẽ lâm vào tình trạng cạn kiệt kinh tế. Trong số 2.000 bệnh nhân được phỏng vấn có tới 50,6% hộ có thu nhập cao; 61% bệnh nhân có BHYT. Chi phí chữa bệnh trung bình cho lần khám bệnh đầu tiên là 6,8 triệu đồng. Tuy nhiên, có người chỉ tốn vài trăm nghìn, nhưng có người đã mất cả 100 triệu đồng ngay lần khám đầu tiên.
Sau quá trình 1 năm điều trị, có 22,36% bệnh nhân khó khăn về kinh tế, kể cả bệnh nhân có BHYT và không có BHYT. Trong đó có tới gần 34% bệnh nhân không thể mua thuốc; 24% bệnh nhân không thể thanh toán tiền gas, điện, nước; 21% không thể thanh toán chi phí đi lại và có tới 15,2% không thể mua nổi đồ ăn. Để ứng phó với khó khăn về kinh tế, có tới gần 67% bệnh nhân gặp khó khăn kinh tế khi điều trị ung thư phải vay tiền, 22% bán tài sản…
Các chuyên gia cho rằng ở nhóm bệnh nhân không có khó khăn về kinh tế (778 người) thì sau 1 năm điều trị ung thư có 180 bệnh nhân tử vong (24%), 228 bệnh nhân gặp các khó khăn kinh tế (31%). Ngoài ra, cũng chỉ có 60% bệnh nhân hoàn thành cả 3 lần phỏng vấn (trong 1 năm) còn lại có 20% bệnh nhân rút lui khỏi nghiên cứu, trong đó có người không có tiền nên bỏ điều trị ung thư, chịu chết.
Chi phí điều trị ung thư hơn 4.400 tỷ đồng/năm
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Ông Nguyễn Minh Thảo lo ngại, gánh nặng điều trị của bệnh nhân ung thư quá lớn và ngày càng “phình to”. Theo thống kê của Ban thực hiện chính sách BHYT cho thấy, năm 2014, chi phí điều trị ung thư cho bệnh nhân ung thư hơn 3.800 tỷ đồng, năm 2015 là 4.400 tỷ đồng; trong đó, chi phí thuốc và máu chiếm tới 65-70%. Các nhóm có chi phí lớn nhất năm 2015 như bướu ác của phế quản và phổi (620 tỷ đồng); bướu ác vú (490 tỷ đồng); bệnh bạch cầu tuỷ (350 tỷ đồng)… “Quỹ BHYT ở Việt Nam khá hạn hẹp, nhưng chi phí thuốc ung thư rất lớn, có những bệnh nhân mất cả tỷ đồng vẫn tử vong. Do đó, việc siết chặt chẩn đoán, chỉ định điều trị ung thư là vô cùng cần thiết” – ông Thảo cho biết.
Theo ông Nguyễn Minh Thảo, hiện nay cả nước có tới 56 bệnh viện, trung tâm ung bướu được phép chẩn đoán, chữa trị ung thư. Tuy quá trình chẩn đoán đã được Bộ Y tế quy định nhưng việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng của các chẩn đoán này chưa được chú trọng và làm thường xuyên. Điều đó cũng có thể dẫn đến nguy cơ chẩn đoán không chính xác, chỉ định thuốc điều trị ung thư không đúng. Như vậy, BHYT và bệnh nhân “bỗng dưng” sẽ phải chịu chi phí điều trị ung thư rất lớn và không thích đáng.
Phó Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Phòng chống ung thư PGS-TS Trần Văn Thuấn cũng thừa nhận, việc phát triển quá nhanh các trung tâm chẩn đoán, điều trị ung thư nhằm giảm tải cho tuyến trên có thể dẫn đến việc kiểm soát chất lượng chưa tốt.
Khi TS-BS Phạm Xuân Dũng – Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, trên thế giới hiện có 37 thuốc điều trị ung thư nhắm trúng đích tiên tiến cho hiệu quả điều trị cao, kéo dài thời gian sống, ít tác dụng phụ, còn ở Việt Nam mới có 13 thuốc, còn ông Thảo đã phản ứng: “Cụ thể như nước Pháp có 23 thuốc điều trị trúng đích nhưng tổng Quỹ BHYT của Pháp năm 2014 là 178 tỷ EUR (hơn 4 triệu tỷ đồng) còn Quỹ BHYT của Việt Nam năm 2014 là 2 tỷ USD (44.000 tỷ đồng). Với bài toán “ít tiền” như vậy, muốn dùng nhiều thuốc hiện đại, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao cần nhiều sự nỗ lực của các tổ chức, cá nhân” – ông Thảo cho biết.
Nguồn: http://danviet.vn/tin-tuc/dieu-tri-benh-ung-thu-mat-4400-ty-dong-moi-nam-673397.html
Bài viết tương tự
Viêm đại tràng sôi bụng và cách chấm dứt tiếng kêu kỳ quặc Bị viêm tai giữa rồi có tiêm phòng được không? Có những mũi tiêm nào? Địa chỉ mua bán cai thuốc lá tuệ an tại Bình phước Cách chữa viêm họng hạt nhanh nhất bạn cần biết Có nên cắt amidan hay không? Lợi hay hại Uống nấm lim xanh có tác dụng gì với bệnh ung thư xoang mũi?