TẠP CHÍ UNG THƯ VIỆT NAM

Điểm mới trong phương pháp điều trị ung thư

Trong lúc chờ cán bộ có trách nhiệm của bệnh viện tiếp chuyện, tôi đi một vòng quanh Cơ sở 3 (Khu vực Tân Triều, Hà Đông) thuộc Bệnh viện K T.Ư. Trước mặt tôi là các khu nhà cao tầng mới được xây dựng và đưa vào sử dụng khoảng ba năm nay, với các dãy hành lang thênh thang và công trình phụ trợ đầy đủ phục vụ người bệnh. Một cô gái khoảng 30 tuổi đang ngồi chờ đến lượt khám cho biết: “Em là Hoàng Thị Hoa, ở huyện Ba Bể, Bắc Cạn, em bắt chuyến xe từ sáng xuống đây cũng đã trưa. Nên đầu giờ chiều em xếp hàng lấy số. Cứ theo thứ tự chạy trên bảng điện tử thì chắc đến bốn giờ em cũng đến lượt thôi. Cơ sở này rộng rãi thoải mái, không phải chen chúc và nhốn nháo như khu vực Quán Sứ trước đây”. Gặp anh Đỗ Văn Mai, quê Phủ Lý (Hà Nam) đang đi lại ở hành lang khoa cấp cứu của bệnh viện, tôi hỏi: “Anh đưa người nhà nhập viện có gặp khó khăn gì không?”, “Không ạ, em đưa chú em đến thì các y, bác sĩ tiếp nhận ngay, hướng dẫn người nhà làm các thủ tục cần thiết, rồi giải quyết kịp thời chứ không gặp trở ngại gì cả…”

điều trị ung thư

Điều trị bệnh ung thư là bài toán khó đối với các nhà nghiên cứu – Ảnh minh họa

Trao đổi với PGS.TS Nguyễn Đại Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K T.Ư, ông chia sẻ:  ung thư là một trong các bệnh không lây nhiễm đang phát triển mạnh ở nước ta (khoảng 150 nghìn trường hợp mắc mới/năm và gần 70 nghìn người chết do ung thư). Mạng lưới phòng, chống và điều trị ung thư tuy năm năm gần đây đã có sự quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Do năng lực của tuyến dưới còn yếu kém nên người bệnh đổ dồn lên tuyến trên. Bệnh viện K là cơ sở tuyến cuối, hơn ba năm qua, nhờ sự đầu tư của Nhà nước, Cơ sở 3 (Tân Triều – Hà Đông) được xây dựng với quy mô 1.000 giường bệnh. Hiện đã bố trí 800 giường, Cơ sở 1 ở Quán Sứ, Hà Nội được sửa chữa nâng cấp và kể cả Cơ sở 2 Tam Hiệp (huyện Thanh Trì) đến nay đã nâng lên hơn 1.200 giường điều trị.

Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân, giảm sự quá tải phòng bệnh, Bệnh viện một mặt mở thêm 28 buồng khám bệnh, tăng số bàn mổ lên 21 bàn (trong đó khu vực Tân Triều có 15 bàn). Đồng thời, cải tiến quy trình khám bệnh, giảm tối đa các thủ tục hành chính xuống còn bốn, năm bước (tùy theo loại bệnh lý). Các chỉ tiêu hoạt động khám, chữa bệnh của đơn vị phát triển theo hướng tích cực. Chẳng hạn, năm 2015 số lượt bệnh nhân đến khám, điều trị nội trú, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật, điều trị hóa chất… đều đạt 112% đến hơn 150%.

Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn hết đó là đội ngũ Y – Bác sĩ ở đây ngày càng củng cố được thiện cảm, tạo dựng được niềm tin của người bệnh trong việc ứng dụng các kỹ thuật mới vào điều trị căn bệnh hiểm nghèo. Theo PGS.TS Nguyễn Đại Bình, bên cạnh việc ứng dụng phẫu thuật nội soi cho hầu hết các cơ quan nội tạng, tạo hình vú một thì, phẫu thuật thực quản, vét hạch chủ bụng… cho người bệnh ung thư, từ năm 2011 đến nay, bằng việc đưa cán bộ đi đào tạo ở các nước Mỹ, Pháp, Nhật Bản…, Bệnh viện K T.Ư đã phát triển thêm một số kỹ thuật chuyên sâu. Đó là ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong việc phát hiện sớm các bất thường, đột biến ở các gen trong cơ thể từ đó có phác đồ điều trị hiệu quả và chính xác.

Hãy tầm soát sớm để có phương pháp điều trị ung thư thích hợp

Đây là một bước đột phá trong lĩnh vực phòng – chống bệnh ung thư. Bởi trước đây, để chẩn đoán căn bệnh quái ác này, phải thông qua giải phẫu bệnh và kinh nghiệm của người thầy thuốc. Nhưng giờ có kỹ thuật sinh học phân tử sẽ giúp chẩn đoán chính xác các loại gen gây bệnh và điều trị trúng đích mà không “đánh bao vây” và gây biến chứng như phương pháp truyền thống. Điều này giúp kéo dài thời gian sống cũng như chất lượng sống của người bệnh ung thư sau điều trị.

Song song với việc gửi cán bộ Y Bác sĩ đi đào tạo nâng cao trình độ ở nước ngoài, Bệnh viện cũng chú trọng chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến bằng cách mời chuyên gia ở các nước phát triển đến Bệnh viện giảng bài và thực hành tại phòng mổ. Đầu năm nay, Giáo sư Joel Leroy, chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật nội soi ung thư hệ tiêu hóa của Pháp đã thực hiện ca mổ nội soi 3D cho hai bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng trước sự theo dõi, cập nhật của hàng trăm bác sĩ ngoại khoa thuộc các bệnh viện phía bắc. Phương pháp điều trị ung thư bằng phẫu thuật nội soi 3D cho phép phẫu thuật viên quan sát chính xác vị trí của khối u, hạn chế thấp nhất sang chấn vùng chung quanh, rút ngắn thời gian so với mổ thông thường; nhất là giúp người bệnh ít đau, hồi phục nhanh và sớm trở về với cuộc sống bình thường.

Bệnh viện áp dụng kỹ thuật nội soi 3D áp dụng vào mổ hệ tiêu hóa nói chung và đại trực tràng, mở ra cơ hội kéo dài cuộc sống cho hàng chục nghìn trường hợp không may mắc bệnh ung thư này ở nước ta. Xạ trị điều biến liều (IMRT) trong điều trị ung thư là kỹ thuật được đưa vào Việt Nam cách đây hơn 5 năm và được Bệnh viện K ứng dụng cho nhiều đối tượng bệnh nhân mắc các loại ung thư khác nhau. Bởi, kỹ thuật này được thực hiện nhờ máy gia tốc tuyến tính, liều lượng phát tới khối u của người bệnh được điều biến cường độ nhằm cung cấp một liều bức xạ lớn, chính xác tới khối u, trong khi giảm thiểu liều đến các mô khỏe mạnh chung quanh. Ưu thế vượt trội của IMRT so với kỹ thuật thường quy là có thể nâng liều cao tại khối u, vì vậy tăng khả năng tiêu diệt khối u nhanh hơn, hạn chế tác dụng phụ của xạ trị, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Những năm gần đây, Bệnh viện K T.Ư đã và đang áp dụng cho các trường hợp bị ung thư vòm họng, thanh quản, vú, cổ tử cung, đại trực tràng…

Theo PGS.TS Bùi Diệu, Giám đốc Bệnh viện K T.Ư chia sẻ: Được Nhà nước đầu tư xây dựng mới cơ sở Tân Triều trên mặt bằng gần 7 ha và mua sắm trang thiết bị hiện đại, đồng thời nâng cấp cơ sở khu vực Quán Sứ, cán bộ nhân viên Bệnh viện hết sức phấn khởi. Bởi áp lực “quá tải nặng nề” trong nhiều năm từng bước được tháo gỡ. Tuy nhiên, hoạt động của Bệnh viện nằm trên ba cơ sở khác nhau (mỗi nơi cách nhau khoảng 10km) nên Ban Giám đốc còn phải nỗ lực nhiều nhiều hơn trong công tác quản lý một bệnh viện chuyên khoa quy mô tuyến cuối. Xây dựng các bệnh viện vệ tinh để giúp người bệnh đỡ đi xa là kế hoạch Bệnh viện đang triển khai từ nay đến năm 2018.

Bên cạnh đó, để tạo dựng niềm tin cho công chúng, các cán bộ nhân viên của Bệnh viện không ngừng học tập, triển khai các kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đồng thời, phải luôn ý thức thái độ phục vụ người bệnh theo phương châm “Đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo” như các bậc tiền bối ngành y đã từng chỉ bảo.

Nguồn: Báo Nhân dân

Xem thêm:

“Hiến kế” giúp người bệnh gút mạn tính vui Tết trọn vẹn Bài thuốc dùng cây dừa cạn hỗ trợ chữa ung thư máu Tìm hiểu về bệnh viêm loét dạ dày tá tràng Chiêu hay “thổi bay” gút vô cùng lợi hại vào dịp Tết Cây cối xay chữa bệnh gì? – Tác dụng cây cối xay Cách nhận biết nấm lim xanh tự nhiên và hình ảnh cây nấm lim thật
5/5 - (85 bình chọn)
Exit mobile version