Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra danh sách 10 “làng ung thư” có nguồn nước ô nhiễm nặng, thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Phước. Qua điều tra, khảo sát, đã thu thập, phân tích 814 mẫu nước từ nguồn nước sông, suối, giếng… mà người dân sử dụng tại 37 làng nêu trên. Kết quả, hơn 80% số mẫu vi sinh và hơn 30% số mẫu có tổng hàm lượng sắt vượt quy chuẩn. Trong đó, có 50 mẫu nước chứa nhôm, cadimi, benzen, bentazone, phenol, asen, mangan vượt quy chuẩn..
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại một số khu vực ở nước ta, khi tìm hiểu các trường hợp mắc ung thư, viêm nhiễm phụ khoa, thường có từ 40 đến 50% số người do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Các chuyên gia cho rằng: Nước uống, nước sinh hoạt hằng ngày của người dân nhiễm một số kim loại nặng, với hàm lượng cao, hoặc chứa các hợp chất hữu cơ, bao gồm các chất nhiên liệu, chất mầu, thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng, các phụ gia trong dược phẩm, thực phẩm… là nguyên nhân dẫn đến nhiễm độc mạn tính, các bệnh hiểm nghèo, như ung thư gan, ung thư bàng quang, ung thư phổi; dị tật bẩm sinh; đẻ non… Báo cáo môi trường quốc gia năm 2014, có chuyên đề “Môi trường nông thôn” do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, cho thấy: Môi trường nông thôn ở Việt Nam đang chịu nhiều sức ép từ các hoạt động dân sinh; trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thủy sản, nông sản thực phẩm; làng nghề, khu công nghiệp. Sức ép việc làm, mưu sinh; việc doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, bất chấp hệ lụy môi trường, sức khỏe con người; việc thiếu thông tin và ý thức kém trong bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân… đều khiến chất lượng môi trường… ngày càng suy giảm. Nhằm từng bước cải thiện môi trường sống, giảm ảnh hưởng của nguồn nước ô nhiễm đến sức khỏe và tính mạng người dân, đề nghị cấp có thẩm quyền triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý nguồn nước thải gây ô nhiễm môi trường, bằng các giải pháp chuyên biệt, như quan trắc tự động liên tục; kiểm tra định kỳ, đột xuất; thiết lập đường dây nóng và xây dựng cơ chế giám sát dựa vào cộng đồng dân cư. Tiến hành rà soát, đánh giá, công bố các công nghệ xử lý nước thải, xử lý ô nhiễm môi trường nước phù hợp để các tổ chức, cá nhân lựa chọn và áp dụng; chú trọng xử lý nguồn nước thải sinh hoạt tại đầu nguồn bằng công nghệ sinh học, hoặc đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại các cụm dân cư; tăng cường hoạt động quản lý và kiểm soát chất thải từ khu vực nông thôn đối với chất thải rắn, như bao bì phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, các chất tồn lưu trong đất, chất thải từ các làng nghề…
Bên cạnh đó, khuyến khích mọi người áp dụng công nghệ mới trong nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, phát triển bền vững giữa kinh tế và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh truyền thông, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong hoạt động bảo vệ môi trường; không sử dụng các nguồn nước mặt bị ô nhiễm. X^ lý, khắc phục triệt để nguồn gốc bệnh tật và những hệ lụy xã hội ở những “làng ung thư” hiện nay, ngăn chặn không để phát sinh những “ngôi làng đau khổ” thêm nữa trong tương lai không phải chỉ bằng lời nói, mà phải bằng biện pháp mạnh. Đó là trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình, dòng tộc; của cấp ủy chính quyền, của các doanh nghiệp và các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Nguồn:
http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/item/26773302-de-khong-con-nhung-lang-ung-thu.html
Bài viết tương tự
Hội thảo cập nhật chẩn đoán và điều trị nhiễm Hp ở trẻ em Cách phòng ngừa và điều trị bệnh gout đơn giản tại nhà Cách thu hái và chế biến hoa hòe Điều trị và phòng ngừa Loét dạ dày tá tràng do H. pylori Chỉ số acid uric máu cho bạn biết bệnh gout đang ở giai đoạn nào? Tác dụng của nấm lim xanh trong điều trị men gan cao