Bạn sẽ thấy chóng mặt với đủ các loại tờ rơi, banner quảng cáo về thực phẩm chức năng đặc trị ung thư được chiết xuất từ linh chi, nhân sâm, nấm… Nếu khi đi qua các hiệu thuốc cạnh cổng Bệnh viện K Hà Nội cơ sở 2.
Bước vào một hiệu thuốc, người bán hàng nhiệt tình “khuyên dùng” Thực phẩm chức năng Sun Ginseng khi nghe chúng tôi nói đang tìm thuốc điều trị ung thư cho người nhà mắc bệnh. Chị này cho biết, loại “thuốc” này được bào chế từ hồng sâm Hàn Quốc nên có công dụng kìm hãm tế bào ung thư, chống ung thư tái phát, bảo vệ tế bào não,… “Thuốc này người bệnh ở đây nhiều người mua lắm, người nhà em chỉ cần uống vài hộp là có chuyển biến ngay”, người bán hàng giới thiệu.
Một tấm poster quảng cáo thực phẩm chức năng Agel UMI ở một hiệu thuốc khác còn viết cụ thể đây là sản phẩm chuyên trị “bách bệnh” ung thư như ung thư lưỡi, ung thư gan, ung thư đại tràng,…
Ngoài ra, ở khu vực này các dược sĩ, người bán hàng còn “khẳng định” một số loại thực phẩm chức năng như Noni có thể “dùng kết hợp trong quá trình phẫu thuật, truyền hóa chất, xạ trị…” để “làm teo, hạn chế sự phát triển khối u”. Theo người bán hàng, bất cứ bệnh ung thư nào cũng có thể sử dụng được sản phẩm này.
Một bệnh nhân đã điều trị ung thư vòm họng được 3 tháng tại Bệnh viện K cơ sở 2, ông Lê Đình Quang, 54 tuổi, thường trú tại Phú Thỏ có chia sẻ, trong suốt quá trình điều trị, ông đã dùng tới 3-4 loại Thực phẩm chức năng khác nhau, có loại dùng theo bác sĩ kê đơn, có loại là người bán thuốc tư vấn hoặc do người thân giới thiệu. Dù tiền mua TPCN đã tròm trèm 20 triệu đồng, bệnh tình chưa chuyển biến gì nhiều nhưng ông vẫn đinh ninh: “Nhiều người mắc ung thư như tôi dùng rồi, họ nói tốt lắm, bác sĩ, y tá cũng khuyên thì mình cứ dùng, có bệnh thì phải vái tứ phương thôi”.
Thực phẩm điều trị ung thư do bác sĩ kê đơn
Trong sự oi bức của những ngày hè tháng 7 ở Hà Nội, khuôn viên Bệnh viện K cơ sở 1 (43, Quán Sứ, Hoàn Kiếm trở nên thật bức bối với hàng trăm người đang đứng ngồi la liệt mang theo vẻ mặt căng thẳng, mệt mỏi. Chúng tôi bắt gặp một người phụ nữ có vẻ nóng vôi, tay cầm đơn thuốc chạy qua chạy lại, gặp ai cũng hỏi gì đó nhưng không nhận được câu trả lời. Quệt vội lớp mồ hôi lấm tấm trên mặt, chị Tuyết (tên người phụ nữ) kể đang tìm mua thuốc cho chồng, anh Bùi Thanh Phong, 51 tuổi ở Yên Bái, bị ung thư vòm họng. “Tôi cứ tưởng bác sĩ đã kê đơn thì nhà thuốc BV có bán, nhưng hỏi thì họ lại nói không có, cũng không biết chỗ nào bán”, chị nói.
Đơn thuốc chị Tuyết cầm trên tay có kê: “Đông Trùng Hạ Thảo 2 lọ, ngày uống 4 viên chia 2”. Sau khi chúng tôi chỉ dẫn, chị Tuyết cũng mua được 2 lọ thuốc trên với giá 900 ngàn đồng ở một trong những hiệu thuốc trước Bệnh viện K. “Bệnh nan y nên thuốc nào cũng đắt chú ạ, nhà tôi từ khi phát bệnh đến giờ cũng đi ngót cả trăm triệu tiền thuốc rồi mà không biết có ăn thua gì không”, chị Tuyết kể.
Bác sĩ kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc là sai
Theo Phó Giám Đốc Bệnh viện Ung Bướu TP. Hồ Chí Minh, Bác sĩ Phạm Xuân Dũng cho biết: “Về nguyên tắc, toa thuốc không được kê vào TPCN. Trong BV chúng tôi cũng không cho phép bán TPCN và luôn nhắc nhở bác sĩ không được kê TPCN vào toa thuốc điều trị cho người bệnh ung thư”.
Trưởng khoa Ung Bướu và y học hạt nhân thuộc Bệnh viện Nhân dân 115, TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh cũng cho biết: “Về quy định của ngành, bác sĩ không được kê TPCN vào toa thuốc điều trị. Có chăng chỉ được phép tư vấn cho người bệnh dùng thêm sản phẩm này, sản phẩm nọ bên ngoài toa mà thôi.
Sau khi đọc hướng dẫn sử dụng có in trong hộp thuốc chúng tôi hỏi chị Tuyết: “Loại này chỉ hỗ trợ điều trị một số bệnh về gan, phổi, tim mạch, ung thư dạ dày chứ có trị được bệnh chồng chị đâu mà mua?”. Chị có trả lời thật thà: “Nào tôi có biết gì về thuốc thang đâu, bác sĩ kê rồi thì phải mua thôi, không mua thì chồng lại nghĩ là mình tiếc tiền, khổ lắm”.
Một trường hợp khác đang điều trị bệnh ung thư thực quản tại cơ sở 2 của Bệnh viện K đến từ Huyện Nghi Lộc, Nghệ An, ông Nguyễn Quang Thành chia sẻ, do bệnh viện quá tải mà ba bố con ông phải thuê tạm một phòng trọ gần cổng viện với giá 120.000đ/ngày đêm để “chờ lúc nào có người cũ ra thì tôi vào”. “Tiền ở tiền ăn, tiền thuốc men nhiều vô kể, cũng may tôi có bảo hiểm 80% nên đỡ được một phần. Nhưng khiếp nhất là mấy loại thuốc bác sĩ kê mà nhà thuốc BV không có, phải đi mua ngoài”, ông Thành tâm sự.
Loại thực phẩm chức năng mà ông Thành cho là “thuốc” tên là White L-Glutathione. “Mỗi lọ bé tí mà hơn 1,6 triệu đồng, mỗi lần kê đơn là 2 lọ. Nhiều người nói loại này không có tác dụng chữa bệnh nhưng bác sĩ thì nói nó có tác dụng ngăn ngừa làm chậm tế bào ung thư, không lẽ bác sĩ nói mà mình không tin”, ông Thành bày tỏ.
Qua mắt người bệnh
Biết người mắc bệnh nan y chỉ mong có thêm thời gian sống nên không bao giờ tiếc tiền mua thuốc mà có nhiều công ty kinh doanh đã tung rất nhiều chiêu trò quảng cáo thực phẩm chức năng để móc túi người bệnh, ông Bùi Thống, một trình dược viên đã giải nghệ cho biết. Một trong những chiêu có hiệu quả nhất là “khoanh vùng” các BV, khu vực có đông người khám, điều trị bệnh ung thư rồi hợp tác với các dược sĩ, bác sĩ tư vấn cho người bệnh, bán được sản phẩm thì chia hoa hồng. Một mặt, họ tung các quảng cáo tờ rơi, cho người rỉ tai truyền miệng về công dụng sản phẩm…
Theo Cục phó Cục An toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế, ông Nguyễn Thanh Phong có nhận định, thực phẩm hỗ trợ điều trị ung thư hay thực phẩm chức năng mà nhiều người vẫn tin dùng hoàn toàn không có công dụng điều trị bệnh thay cho thuốc chuyên dùng, mà chỉ có tác dụng bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp đang lập lờ thông tin về tính năng của sản phẩm, quảng cáo không đúng sự thật để bán được hàng. Ông Phong cũng thừa nhận tình trạng: “Đã có những doanh nghiệp sử dụng các bác sĩ, cán bộ trong ngành y tế để đi quảng cáo hoặc bán sản phẩm, điều này đã gây ra sự ngộ nhận cho người tiêu dùng”.
Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng, ông Trần Đáng cũng nhận định: “TPCN không thể chữa bệnh nào hết, với ung thư thì càng không. Nếu người nào nói dùng TPCN để chữa bệnh thì phải đem ra mà chém đầu! Bộ Y tế đã từng có Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP với chủ đề: Hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng về TPCN”. Đáng lưu ý, ông Đáng cảnh báo: “Theo tôi, hiện chí ít cũng phải 30% TPCN không đạt yêu cầu về hoạt chất. Chúng ta lâu nay có kiểm tra chất lượng thì cũng chỉ loanh quanh về mức độ an toàn của sản phẩm: kim loại nặng, nấm mốc chứ hầu như chưa kiểm tra được hoạt chất”.
Có thể thấy thực phẩm hỗ trợ chữa trị ung thư mà nhiều người vẫn rất tin dùng thực tế chỉ có tác dụng bổ sung dinh dưỡng, hỗ trợ điều trị cho người bệnh. Người tiêu dùng không nên lạm dụng chúng, sử dụng thay thuốc hỗ trợ chữa bệnh để tránh tiền mất tật mang.
Nguồn http://plo.vn/suc-khoe/dinh-duong/nhap-nhem-thuc-pham-chua-ung-thu-114759.html
Bài viết tương tự
Ngải cứu – “Thảo dược quý” trong sách cổ, trị những bệnh gì? Nhung hươu và những món ăn ngon miệng bổ dưỡng Đặc điểm và công dụng của atiso đỏ đối với sức khỏe Cây sả – “Lợi ích vàng” của cây sả đối với sức khỏe Đối với sức khỏe nhân sâm hàn quốc có những tác dụng gì? Cách chế biến nấm lim xanh nấu uống ngâm rượu mật ong làm đẹp