Khoảng sáu bảy giờ tối mỗi ngày, một ông già bị mất 2 chân ngồi bên vệ đường trên đường Nguyễn Kiệm( Phú Nhuận), đối diện siêu thị Co-op Mart để trông chờ những đồng tiền lẻ của người khách đi ngang qua thả xuống chiếc nón cũ.
Ông tên là Bùi Văn Thiệt, 61 tuổi, bị mất hai chân đến tận mông từ năm 18 tuổi. Suốt 43 năm qua việc đi lại của ông phải tận dụng đôi tay và hai cái ghế gỗ. Căn nhà xộc xệch của ông nằm khuất trong một ngõ cụt của phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức), mỗi khi triều cường lên là ngập lênh láng. Mỗi khi đi xin về, ông phải lo những bữa cơm, giặt giũ và chăm sóc người vợ bị bệnh ung thư tử cung, hiện đã bị liệt hai chân, không còn đi đứng được.
Ông Thiệt quê ở Nhơn Trạch (Đồng Nai), mồ côi từ lúc 16 tuổi. Đến năm 18 tuổi, ông đi lính thì không may bị tàn phế. Sau này ông có xin đi làm thuê không có người nhận vì ngại “thằng cụt giò” sẽ chẳng làm được việc gì. Vì vậy là ông lên Sài Gòn đi nhặt ve chai, thậm chí ăn cắp vặt để được no bụng. Năm 21 tuổi, ông gặp được một người phụ nữ đồng cảnh, sinh được một đứa con gái. Hạnh phúc chưa bao lâu, thì người phụ nữ ấy bỏ theo người khác. Vì sống với ông không có tương lai tốt đẹp.
Mái ấm không còn bàn tay của người vợ, người mẹ, đứa con gái ba tuổi cứ thế lớn lên như một thứ cỏ dại dưới gầm cầu Thị Nghè. Lần lượt 3 đứa cháu ngoại ra đời mà không biết cha là ai. Bi kịch nối tiếp bi kịch không bao giờ ngừng lại. Đứa cháu đầu tự dưng phát khùng, hai đứa sau thiếu ăn gầy trơ xương. Và rồi đứa con gái qua đời vì ung thư gan. Người tóc bạc tiễn người đầu xanh. Cái cảnh nghèo lại chạm nơi đáy cốc. Trước gia cảnh nhà ông, một người tốt bụng đã đưa ba đứa cháu ngoại về Đồng Nai gửi cho các sơ trong một nhà thờ nuôi giúp. Khoảng đôi ba tháng, ông thuê xe ôm lên thăm, góp vài chục ngàn đồng để phụ các sơ lo bữa ăn cho cháu.
Trong ngày mưa nhè nhẹ, ông ngồi yên lặng dõi theo dòng người tấp nập qua lại một cách kiên nhẫn. Những chuyến dừng vội vàng, thả vào nón đôi ba ngàn đồng đã giúp ông có tiền mua gạo mắm sống lây lất. Hôm nào xin khá được bốn, năm chục ngàn đồng. Một nửa ông dành mua thuốc cho vợ. Nhiều người tốt bụng biết hoàn cảnh của ông còn giúp cái áo, chai dầu, vài viên thuốc Tây để ông cầm cự với cơn ho dai dẳng mấy năm qua.
Khi đến ngôi nhà của ông, mở đầu câu chuyện, ông hỏi : “Cháu là phóng viên theo dõi để bắt chú phải không? Đừng thế nhé, bắt chú rồi thì vợ chú ai nuôi, cháu ngoại chú ai lo!”. Hỏi ra mới hay cách đó mấy hôm, ông xin ở góc đường cạnh UBND phường 4 (Phú Nhuận). Ngồi chưa ấm chỗ thì có một anh mặc đồ công an đến bảo ông gần đến lễ Quốc khánh, ông ngồi cạnh ủy ban phường xin như vậy là không được, dễ bị bắt bớ. Từ đó ông có cảm giác bất an mỗi khi nghe ai giới thiệu người của “công an, pháp luật”. “Chú đứng ngồi ăn xin nhiều nơi rồi, chỉ có nơi này kiếm được nhiều tiền nhất thôi”. Nghe ông kể “những ngày trời càng khuya, mấy người nghèo đi lại trên đường này nhiều lắm, đặc biệt là mấy cô đi nhặt ve chai cũng hay dừng xe lại gửi cho chú một, hai ngàn đồng…”
Ở tuổi xế chiều, trong căn nhà nằm khuất ở ngõ cụt của phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức), giờ chỉ còn hai vợ chồng hủ hỉ với nhau, ông bảo sợ nhất là ngày nào đó vợ ông sẽ bỏ ông đi vì căn bệnh ung thư. “Ngày đó chú sẽ xin vào trại dưỡng lão, cháu à!” – nhìn ra phố ông cười hiu hắt…
Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhìn ánh mắt xa xăm của người đàn ông nuôi vợ bị ung thư mà lòng tôi buồn vô hạn. Hy vọng ông sẽ nhận được sự giúp đỡ để gia đình ông và người vợ của mình vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nguồn
http://plo.vn/an-ninh-trat-tu/ong-lao-an-may-nuoi-vo-ung-thu-280316.html
Bài viết tương tự
Cám gạo và lá cải ngâm Biến chứng của viêm xoang – Nhận biết, phòng ngừa, xử lý THỰC HƯ bài thuốc chữa viêm xoang cấp, mãn tính HƠN 20.000 người lựa chọn Nỗ lực giảm cân cùng Lowcarb, nên hay không nên? Viêm họng cấp J02 là gì, nguy hiểm không và cách trị? Tác dụng nấm lim xanh Quảng Nam với cách dùng nấm lim tự nhiên