Những triệu chứng điển hình của bệnh viêm loét dạ dày
Đau bụng do bệnh lý ở dạ dày có trường hợp biểu hiện rõ, chẩn đoán tương đối dễ dàng, thường bệnh nhân có những triệu chứng như:
Đau vùng bụng trên rốn, đau thường xuất hiện lúc đói hoặc ngay sau ăn nhưng vài trường hợp đau không liên quan gì tới bữa ăn, đau âm ỉ hoặc đau dữ dội. Đau âm ỉ có khi kéo dài từ vài tháng đến vài ba năm, có khi hàng chục năm.
Nhiều bệnh nhân đau có tính chất chu kỳ (một chu kỳ khoảng từ một tuần đến vài tuần trở lên) và thường xảy ra vào lúc giao mùa, đặc biệt là mùa rét.
Kèm theo đau là các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa, bệnh nhân thường hay có cảm giác nặng bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, nóng rát, trướng bụng, trung tiện, phân có khi nát có khi lỏng, có khi rắn như phân dê. Trong những trường hợp loét hành tá tràng lâu ngày gây co kéo làm hẹp môn vị thì ăn không tiêu, bụng ậm ạch khó chịu, nhiều khi phải móc họng nôn ra mới thấy thoải mái.
Viêm loét dạ dày nếu không được điều trị đúng và kịp thời có thể gây ra những biến chứng như hẹp môn vị, thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, ung thư dạ dày…
Những nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày
Đau dạ dày có thể do rất nhiều nguyên nhân: do nhiễm vi khuẩn HP – đây là một loại vi khuẩn gram âm, có hình xoắn, là nguyên nhân thường gặp gây ra các bệnh lý ở dạ dày tá tràng; do chế độ ăn uống vô độ không có quy luật, ăn thức ăn nóng quá, lạnh quá, cứng quá, khó tiêu, chua, cay quá, ăn không nhai kỹ, ăn vội… hoặc ăn phải một số thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc…
Khi dùng các thuốc giảm đau, chống viêm điều trị các bệnh khớp người dùng cũng có nguy cơ bị viêm loét dạ dày. Nguyên nhân là do những thuốc ấy có tác dụng phụ gây tổn thương niêm mạc dạ dày; những nhiễm khuẩn cấp: cúm, sởi, bạch hầu, thương hàn… có thể gây viêm dạ dày. Người bị suy thận cũng rất dễ bị viêm dạ dày do urê máu tăng cao.
Yếu tố tinh thần, các trạng thái stress, cáu gắt, trầm cảm, lo nghĩ, căng thẳng… cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên tổn thương dạ dày.
Ngoài ra, cũng có thể do uống rượu, chè đặc, cà phê đặc; do uống nhầm phải các chất ăn mòn: axit, kiềm, sút, một số hóa chất có chì, thủy ngân… có thể gây bỏng niêm mạc thực quản và dạ dày.
Viêm loét dạ dày điều trị thế nào?
Ăn uống hợp vệ sinh là khâu quan trọng hàng đầu. Cần có chế độ dinh dưỡng tốt, thích hợp cho người mắc bệnh về dạ dày:
- Không nên ăn quá nhiều chất kích thích, thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng; không nên ăn quá nhiều chất béo, các chất kích thích như trà, cà phê…;
- Không uống rượu, không hút thuốc lá; không nên ăn quá nhanh, nhai không kỹ; cần ăn đúng bữa, đúng giờ, không ăn quá khuya, bữa ăn cuối cùng trước lúc ngủ ít nhất 4 giờ, không ăn quá no hoặc nhịn đói quá lâu.
- Ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước và đặc biệt không được tự ý dùng thuốc, nhất là với các thuốc giảm đau, chống viêm mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
- Bên cạnh đó, cần kết hợp với chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, stress kéo dài.
Ngoài ra, việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ là nguyên tắc không thể thiếu trong quá trình điều trị căn bệnh này. Ngày nay, người ta khuyến cáo điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng dựa trên cơ chế tiêu diệt vi khuẩn HP, chống tăng tiết dịch vị và cần có thuốc bao phủ niêm mạc tránh tác dụng của dịch vị. Có rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh dạ dày, tùy theo tình trạng bệnh bác sĩ sẽ có sự lựa chọn thuốc thích hợp.
Như vậy, có thể đưa ra kết luận viêm loét dạ dày là gì: Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh khá phổ biến, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng người lớn chiếm tỷ lệ cao hơn trẻ em. Tùy theo các vị trí của viêm và loét khác nhau mà có các tên gọi là viêm dạ dày, viêm hang vị, viêm tâm vị, viêm bờ cong nhỏ, loét hang vị… Bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện và điều trị muộn.
Trích nguồn: http://suckhoedoisong.vn/viem-loet-da-day-n72331.html
Bài viết tương tự
Tại sao tiểu đường lại khát nước – Nguyên nhân và biện pháp khắc phục Bệnh tổ đỉa ở chân: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị THỰC HƯ Hiệu quả điều trị ho có đờm, ho dai dẳng, ho gà bằng giải pháp trị ho Quân Dân 102? Tinh trùng đầu nhỏ ít acrosome là gì? Những thông tin cần biết Dị ứng da ngứa toàn thân: Nguyên nhân và cách điều trị nhanh chóng, hiệu quả Giải độc gan và thanh lọc cơ thể hiệu quả với nấm lim xanh