Ung thư da?
Ung thư da là bệnh gồm nhiều loại u ác tính khác nhau phát từ các tế bào biểu mô của da. Có nhiều loại ung thư da nhưng ba loại thường gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào gai và ung thư tế bào sắc tố(hắc tố). Biểu hiện lâm sàng của các loại ung thư này rất đa dạng. Thường ung thư da xuất hiện ở những vùng tiếp xúc với nhiều ánh sáng mặt trời như da đầu, mặt, tai, môi, ngực, cánh tay, bàn tay, cẳng chân. Tuy nhiên, ung thư da vẫn có thể xuất hiện ở những vùng da còn lại như lòng bàn tay, vùng cơ quan sinh dục…
Tổn thương ung thư da có thể xuất hiện từ từ, phát triển chậm nhưng cũng có thể phát triển đột ngột. Nhưng điều quan trọng là khi có một tổn thương da (nhất là ở vùng thường xuyên tiếp xúc ánh sáng) lâu lành hoặc một vết loét dai dẳng hoặc một đám sắc tố phát triển không đồng đều, bất thường thì chúng ta cần đến khám tại chuyên khoa da liễu. Nếu phát hiện sớm, đa số các loại ung thư da đều có khả năng chữa trị thành công rất cao. Vì vậy bạn phải luôn bảo vệ làn da của mình bằng hạn chế tiếp xúc ánh sáng mặt trời cũng như thường xuyên kiểm tra các dấu hiệu ung thư da định kì nhằm phát hiện sớm những vùng da có biểu hiện bất thường hoặc các nốt ruồi thay đổi kích thước, hình dạng.
Tác động của ánh nắng mặt trời lên da
Có nhiều yếu tố có thể gây ung thư da nhưng ánh sáng mặt trời là nguyên nhân chủ yếu. Ánh sáng mặt trời bao gồm các tia cực tím (UVA, UVB, UVC), ánh sáng khả kiến và tia hồng ngoại. Trong đó, tia UVA và UVB đóng vai trò quan trọng trong việc gây tổn thương trên da. Tia UVC là loại tia nguy hiểm nhất đối với con người nhưng nó đã bị ngăn chặn bởi tầng ozone nên không có khả năng gây hại. Tia UVB là tác nhân chủ yếu gây đỏ da, phỏng da, làm lão hoá da và sinh ung thư da. Tia này có cường độ cao trong khoảng thời gian từ 10h đến 15h hằng ngày.
Còn tia UVA xuyên qua da sâu hơn tia UVB, gây nên những thay đổi ở mô liên kết và dẫn đến các tổn thương không thể hồi phục, ngoài ra tia này còn là nguyên nhân hình thành các gốc tự do làm hại tế bào. Do đó, nếu tiếp xúc lâu dài với ánh nắng mặt trời, làn da chúng ta sẽ có nguy cơ cao xuất hiện các tổn thương ác tính. Ngoài ra, bạn có nguy cơ bị mắc tiền ung thư da do ánh sáng mặt trời, đây là bệnh dày sừng ánh sáng. Bệnh thường xuất hiện ở những người da màu sáng, đặc biệt có nhiều năm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ở một số nước khí hậu nắng và nóng như Việt Nam tỷ lệ bệnh dày sừng ánh sáng thường cao. Dày sừng ánh sáng thường xuất hiện ở vùng da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời như vùng mặt, da đầu, mặt dưới cẳng tay, mu bàn tay. Lúc đầu, trên da có một hoặc nhiều dát màu hồng sau đó chuyển sang màu nâu, dần dần bề mặt trở nên thô ráp, có ít vảy. Nếu tiếp tục tiếp xúc nhiều với ánh sáng, các đốm này sẽ dày lên và đậm màu. Bệnh dày sừng ánh sáng có thể tiến triển theo ba cách một là tự thoái hóa, hai là không thay đổi và ba là sẽ dẫn đến thoái hóa ác như ung thư da.
Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời
Thực hiện được những biện pháp dưới đây thì chúng ta có thể tạo được cho mình một làn da khoẻ đẹp mà chống lại được những tác hại của ánh sáng mặt trời cũng như bảo vệ da trước nguy cơ ung thư.
– Nên dùng kem chống nắng trước khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời
Kem chống nắng chứa các chất ngăn chặn tác hại của tia UVA, UVB. Mỗi loại kem chống nắng đều có chỉ số bảo vệ chống nắng được viết là SPF, chỉ số này cho biết thời gian mà những sản phẩm chống nắng có thể bảo vệ da khi tiếp xúc với ánh nắng. Do đó, tùy vào màu sắc da, mức độ nhạy cảm của da và thời gian hoạt động ngoài nắng mà ta có thể chọn sản phẩm chống nắng có chỉ số SPF thích hợp. Để sản phẩm phát huy hết tác dụng nên bôi kem chống nắng 30 phút trước khi ra nắng và phải bôi lại nếu thời gian tiếp xúc ánh nắng kéo dài hoặc đi bơi, tắm biển.
– Giảm thời gian phơi nắng
Tránh làm việc và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời quá lâu. Vào mùa hè, tránh phơi nắng, tắm nắng nhiều tại các bãi biển và hồ bơi. Điều đáng mừng là hầu hết các loại ung thư da đều có thể phòng ngừa bằng cách hạn chế hoặc tránh tiếp xúc thường xuyên với tia cực tím.
Việt Nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, mùa nắng kéo dài nhưng chúng ta cũng không nên quá lo ngại vì cơ thể đã có những cơ chế tự bảo vệ mình khỏi các tác động có hại của ánh sáng mặt trời như tạo sắc tố trên da, làm lớp sừng dày lên hoặc kích hoạt các chất chống oxy hóa của cơ thể… Tuy nhiên cảnh báo bệnh ung thư da hắc tố đôi khi các cơ chế này chưa đủ vì còn phụ thuộc vào màu sắc da của mỗi người, vị trí địa lý của từng vùng hay thời gian tiếp xúc tia cực tím.
(Nguồn: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe TP.HCM)
Bài viết tương tự
Trắc nghiệm Bạn đã nắm rõ được tác dụng phụ của thuốc điều trị đái tháo đường? Cách giặt đồ cho trẻ sơ sinh giúp diệt hết vi khuẩn Erythropoietin Sự tiến triển bệnh tiểu đường type 2: Bạn cần biết những gì? Chữa thoái hóa khớp: 9 biện pháp giảm triệu chứng bệnh hiệu quả Nấm lim xanh có độc không và tác dụng phụ tác hại của nấm lim giả