Yếu tố gây bệnh ung thư lưỡi
Thống kê từ Bệnh viện K cho thấy, hai năm gần đây số ca ung thư lưỡi tăng gấp đôi. Phần lớn trường hợp mắc bệnh không tìm ra nguyên nhân nhưng những yếu tố dưới đây được xem là có liên quan mật thiết với căn bệnh này:
– Tiếp xúc với tia xạ
Những người tiếp xúc với các tia bức xạ cường độ cao có nguy cơ phát triển những triệu chứng ung thư lưỡi hơn so với người khác.
– Hút thuốc lá
Những người thường xuyên hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng, lưỡi cao hơn nhiều so với người bình thường.
– Uống nhiều rượu, bia
Có nghiên cứu cho thấy rằng, khoảng 70-80% bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi ung thư miệng hoặc ung thư lưỡi đều là những người nghiện rượu bia. Sở dĩ như vậy là bởi rượu có khả năng kích thích các gene gây ung thư và gây ra nhiều bệnh ác tính khác. Người hút thuốc lá nếu thấy xuất hiện những đốm trắng trên lưỡi thì có thể là dấu hiệu ung thư lưỡi.
Ngoài những yếu tố này thì gene di truyền, tiền sử gia đình, viêm nhiễm quanh răng cũng được xem là nguyên nhân hình thành ung thư lưỡi.
Ngoài ra, tiền sử gia đình, hay gene di truyền, vệ sinh răng miệng kém, viêm quanh răng cũng là nguyên nhân sinh ra tế bào ung thư lưỡi.
Dấu hiệu ung thư lưỡi là như thế nào?
– Ung thư lưỡi giai đoạn đầu
Đây là giai đoạn mà các dấu hiệu bệnh còn chưa rõ rệt nên dễ bị cho qua. Một số dấu hiệu thường gặp như khiến người bệnh cảm thấy như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng qua đi nhanh. Giai đoạn này lưỡi có một điểm nổi phồng lên với sự thay đổi màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc vết loét nhỏ. Thương tổn chắc, rắn mà không mềm mại như bình thường. Số ít bệnh nhân có hạch cổ.
– Ung thư lưỡi giai đoạn toàn phát
Bước sang giai đoạn này, người bệnh bắt đầu đau nhiều khi ăn uống và tình trạng đau kéo dài khiến việc nói trở nên khó khăn. Một số biểu hiện ung thư lưỡi khác phải kể đến như sốt do nhiễm khuẩn, khi nhai và nói cảm giác đau tăng lên và có thể đau lên tai, cơ thể suy sụp nhanh chóng do không ăn được, tăng tiết nước bọt, hơi thở hôi thối, nhổ nước bọt ra lẫn máu. Một số trường hợp gây khít hàm, cố định lưỡi gây khó nói và nuốt.
Thêm vào đó, người bệnh xuất hiện ổ loét ở lưỡi, có hiện tượng phủ giả mạc dễ chảy máu trên ổ loét, loét phát triển nhanh, lan rộng làm lưỡi khó vận động và không di động được. Bề mặt thương tổn thường sùi loét, tạo thành từ một vết loét không đều ở đáy có mủ máu, chảy máu khi va chạm, bờ nham nhở. Cũng có khi không có dấu hiệu loét mà là một nhân lớn gắn chặt xuống lớp dưới, nhô lên dưới lớp niêm mạc căng nhẵn, màu tím nhạt, niêm mạc lỗ rỗ những lỗ nhỏ khi ấn vào sẽ rỉ ra một chất trắng chính là sản phẩm của hoại tử ở phía dưới.
– Ung thư lưỡi giai đoạn tiến triển hơn
Lúc này, thể loét chiếm ưu thế, lan sâu và rộng xuống bề mặt hoặc vào mặt dưới của lưỡi xuống sàn miệng gây đau đớn dữ dội, có mùi hôi, bội nhiễm, dễ chảy máu thậm chí chảy máu nhiều ảnh hưởng đến tính mạng. Những dấu hiệu ung thư lưỡi thường tồn tại ở bờ tự do của lưỡi, mặt dưới lưỡi, đầu lưỡi hoặc mặt trên lưỡi.
Thầy thuốc khuyên bạn
Do hầu hết bệnh nhân bị ung thư lưỡi ở giai đoạn đầu không có cảm giác đau nên thường chủ quan không thăm khám. Nếu có dấu hiệu ung thư lưỡi như có hạch ở cổ, chảy máu lưỡi, đau tai, có vết loét lâu dài màu trắng hoặc đỏ ở hai bên lưỡi, nói hoặc nhai thấy khó khăn… thì nên nghĩ đến căn bệnh này.
Bác sĩ khuyến cáo, nếu bị loét lưỡi sau 3 tuần dùng kháng sinh không khỏi cần khám chuyên khoa ngay. Ngoài ra, có thể chủ động phòng ngừa căn bệnh này bằng cách vệ sinh răng miệng sạch sẽ, bỏ các thói quen xấu như nhai trầu, hút thuốc lá, hạn chế tối đa bia rượu. Những người có tiền sử gia đình ung thư khoang miệng nên tầm soát định kỳ.
Nguồn báo:
http://suckhoedoisong.vn/dau-hieu-som-cua-ung-thu-luoi-n113237.html
Bài viết tương tự
Hiện tượng khó nuốt ở cổ họng do trào ngược dạ dày thực quản 10 lợi ích của đậu thận đối với sức khỏe bà bầu Biguanide 4 điều bạn nên biết về ảnh hưởng của thuốc NSAIDs đối với thận Mọc mụn trong tai do đâu và liệu nó có nguy hiểm? Tìm hiểu ngay! Nấm lim xanh làm hết bệnh viêm gan hiệu quả như thế nào