Triệu chứng ung thư phế quản giai đoạn tiến triển
Ung thư phế quản giai đoạn đầu thường là không có triệu chứng. Đến giai đoạn tiến triển kế tiếp mới bắt đầu có những triệu chứng như:
– Ho: là triệu chứng khởi đầu thường gặp nhất, ho nhiều hơn bình thường, thời gian một cơn ho dài hơn, số lượng đờm nhiều hơn, đờm có mủ hay tái đi tái lại hơn so với trước đây, có thể ho ra đờm vướng máu.
– Ho ra máu: là một triệu chứng báo động quan trọng, đặc hiệu cho ung thư phế quản. Người bệnh khi có triệu chứng này cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám.
– Khó thở: là triệu chứng xuất hiện muộn hơn trong tiến triển của ung thư phế quản. Khó thở xuất hiện khi khối u đã lớn làm tắc nghẽn phế quản, làm xẹp một vùng phổi, hoặc do khối u xâm lấn ra màng phổi làm tràn dịch màng phổi.
– Đau ngực: Ban đầu là đau dai dẳng, mơ hồ không rõ vị trí, sau đó là đau ngực nhiều gây khó chịu, có thể bị chẩn đoán nhầm thành đau thần kinh liên sườn, đau cơ.
Triệu chứng ung thư phế quản giai đoạn di căn
Ở giai đoạn này, tùy thuộc vào bộ phận bị di căn mà có các triệu chứng bệnh khác nhau.
– Ung thư phế quản di căn trung thất: các tế bào ung thư xâm lấn vào các cơ quan nằm trong trung thất. Bệnh nhân có thể bị chóng mặt, ù tai, nhức đầu, tím tái ở mặt và phần trên ngực nếu tĩnh mạch chủ trên bị xâm lấn. Bệnh nhân có thể bị liệt dây thanh âm gây khàn tiếng, giọng đôi nếu thần kinh quặt ngược thanh quản trái bị xâm lấn. Bệnh nhân có triệu chứng nấc cụt, khó thở do liệt cơ hoành nếu thần kinh hoành bị tổn thương. Bệnh nhân có cảm giác nuốt khó, sặc, nuốt nghẹn nếu thực quản bị tổn thương.
– Ung thư phế quản di căn màng phổi: là triệu chứng thường gặp, thường là tràn dịch màng phổi, lượng dịch nhiều và tái lập nhanh sau khi chọc dò.
– Ung thư phế quản di căn thành ngực: gây ra khối u trên thành ngực làm người bệnh đau nhức dữ dội.
– Ung thư phế quản di căn hạch: các hạch trên đòn, hạch nách có thể sưng to, cứng, không đau.
Triệu chứng cận lâm sàng ung thư phế quản
– X-quang lồng ngực (gợi ý, không giúp chẩn đoán xách định):
Người lớn hơn 40 tuổi có hút thuốc lá, nên khám sức khỏe định kỳ có chụp X-quang phổi cho dù không có triệu chứng gì. Hoặc khi có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào cũng nên khám để xác định bệnh.
Thông qua X-quang có thể thấy: nốt mờ, khối mờ trong nhu mô phổi, có thể thấy hình ảnh trung thất nở rộng, hình bóng mờ ở rốn phổi hoặc hình ảnh tổn thương tràn dịch màng phổi.
– CT scan lồng ngực (định hướng nhưng không phân biệt chắc chắn lành hay ác tính):
Đây là xét nghiệm hình ảnh học đáng tin cậy, thế nên khi nghi ngờ ung thư phế quản bạn nên chụp CT scan lồng ngực có cản quang vì nó giúp định vị khối u, xác định những đặc tính hình ảnh học u, đánh giá thương tổn hạch trung thất, di căn phổi gan và thượng thận.
– Nội soi phế quản kết hợp sinh thiết:
Có thể tiếp cận khối u, đặc biệt u ở vị trí trung tâm nhờ nội soi phế quản, cho phép sinh thiết khối u để thực hiện xét nghiệm giải phẫu bệnh bằng tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư phế quản.
Ngoài ra, tùy theo tình huống mà bác sĩ sẽ chọn lựa các xét nghiệm khác để chẩn đoán cũng như hướng dẫn điều trị ung thư phế quản cho bệnh nhân.
Nguồn báo:
http://moh.gov.vn/news/pages/tinkhac.aspx?ItemID=1275
Bài viết tương tự
Benadryl Ngứa ngón tay là bị bệnh gì? Nguyên nhân và cách chữa 7 sở thích của phụ nữ có thể gây ra ung thư Trẻ bị phát ban nhưng không sốt là bệnh gì? 7 cách xử lý mẹ cần biết Dị ứng với dứa là gì? Cách xử lý khi bị dị ứng dứa Nấm lim xanh trị bệnh xơ gan cách dùng nấm lim rừng trị bệnh gan