Ung thư vòm họng tiến triển âm thầm, khó nắm bắt
Cũng giống như nhiều loại ung thư khác, ung thư vòm họng không có nhiều biểu hiện đáng kể đặc biệt ở giai đoạn đầu. Chỉ đến khi bệnh ở giai đoạn lan tràn, giai đoạn muộn thì các triệu chứng mới rõ rệt, tuy nhiên lúc đó người bệnh đã không kịp trở tay.
Ung thư vòm họng là một trong mười loại ung thư thường gặp nhất ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh này khá cao khoảng 12%. Đa số người bệnh phát hiện ung thư đều đã ở giai đoạn cuối, cơ hội sống bị rút ngắn rất nhiều.
Những nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao là nam giới, tuổi từ 30 đến 55, những người hút thuốc lá hoặc uống nhiều bia rượu, những người sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại, hay là những người có thói quen ăn uống không lành mạnh…Đây là những người nên đi khám bệnh thường xuyên để tầm soát ung thư, đồng thời tất cả mọi người cũng nên duy trì khám bệnh ung thư vòm họng định kỳ 2 lần trong năm.
Bệnh ung thư vòm họng “đánh lừa” người bệnh như thế nào?
Ung thư vòm họng cũng giống như các bệnh ung thư khác, ở giai đoạn đầu hầu như không có triệu chứng biểu hiện, thay vào đó bệnh sẽ thể hiện qua những dấu hiệu như các bệnh lý thông thường và thường liên quan đến đường hô hấp. Một số người nhầm lẫn bệnh với cảm cúm, viêm họng hạt, viêm xoang hay bệnh nội khoa về thần kinh, mạch máu nên chủ quan và bỏ qua.
Một số biểu hiện rõ hơn như cổ họng ngứa rát, đôi khi chảy máu cam, ù tai,mắt mờ, đau nửa đầu, nổi hạch cổ…cũng vẫn dễ bị nhầm lẫn. Nhiều người coi đó là biểu hiện bình thường và gán cho bệnh lý khác.
Những triệu chứng của ung thư vòm họng rất dễ bị hiểu lầm là các bệnh của tai – mũi – họng, nhưng lại có những điểm khác biệt mà mọi người nên chú ý đó là ung thư vòm họng thường phát sinh bệnh ở cùng một bên (ví dụ như đau nửa đầu, nghẹt một bên mũi), nặng dần theo thời gian (đơn cử như ban đầu chỉ bị nghẹt mũi, khó nuốt, về sau có thể chảy máu cam, nổi hạch cổ) và điều trị bằng thuốc không hiệu quả.
Khi đến giai đoạn cuối, bệnh ung thư vòm họng sẽ biểu hiện rất rõ, các triệu chứng sẽ phát tác nhanh. Lúc này, người bệnh sẽ phát hiện hạch to và lan sang các vị trí khác, mất cảm giác ở họng, chảy mủ mũi đi kèm máu, đau đầu dữ dội, thính lực giảm hẳn, rối loạn thị giác…Khả năng điều trị bệnh hoặc kéo dài sự sống thêm 5 năm sau điều trị sẽ càng khó hơn, chỉ khoảng 10-40%.
Nếu phát hiện ngay từ đầu, tỷ lệ sống thêm 5 năm có thể lên đến 90%, vì vậy đừng bỏ qua bất cứ dấu hiệu nhỏ nhặt hay bất thường nào của cơ thể. Đi khám định kỳ để tầm soát ung thư hiệu quả hơn.
Duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn đầy đủ và phù hợp, nói không với thuốc lá và bia rượu sẽ giúp chúng ta giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng.
Nguồn báo: http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/cac-loai-benh/ung-thu-vom-hong-danh-lua-ban-nhu-the-nao-324001.html
Bài viết tương tự
Làm thế nào để giảm nguy cơ ung thư đại tràng? Các loại thực phẩm bổ máu tốt cho phụ nữ Sa van hai lá (bệnh van tim) 5 phương pháp giúp ngăn chặn tình trạng tiêu xương ổ răng Các sử dụng Tảo Mặt Trời cho đúng liều lượng Nấm lim có tác dụng gì và cách nấu nấm lim xanh hỗ trợ điều trị bệnh