Liệu pháp tế bào miễn dịch giúp kiểm soát bệnh đạt 54,4%
Tại Nhật Bản, người ta áp dụng liệu pháp tế bào miễn dịch chỉ dành cho các bệnh nhân ung thư ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3B và 4). Ngoài sử dụng liệu pháp này, các bác sĩ còn kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư khác (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị) làm tăng hiệu quả điều trị: kéo dài thời gian sống không bệnh (khối u không phát triển), chất lượng sống được cải thiện bởi bệnh nhân không bị đau, không phải dùng thuốc giảm đau. Với bệnh nhân ung thư hóa trị kết hợp thêm liệu pháp này sẽ giảm các tác dụng phụ do hóa chất.
Quy trình điều trị giúp tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân, bệnh nhân không phải nhập viện mà họ có thể đến bệnh viện điều trị theo lịch hẹn, sau đó họ có thể tiếp tục công việc hằng ngày của mình. Thường bệnh nhân được truyền tế bào miễn dịch 2 tuần/lần, một chu kỳ điều trị thường là 6 lần trong 3 tháng liên tục.
Theo GS Yoshinobu Matsuo (làm việc tại Trung tâm tế bào trị liệu, Tập đoàn Grandsoul Nara, Nhật Bản), trong gần 10.000 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này, họ chưa ghi nhận bất cứ trường hợp tai biến hay có tác dụng phụ nào. Ông nói thêm: “Liệu pháp tế bào miễn dịch đã được triển khai tại bệnh viện của Tập đoàn Gransoul Nara từ năm 2006. Cho đến nay chúng tôi đã điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân ung thư ở Nhật Bản và các nước trong khu vực bằng liệu pháp này. Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ kiểm soát bệnh đạt 54,4% và đây là liệu pháp điều trị có độ an toàn cao, chưa có biến chứng hay tác dụng phụ đáng kể nào được ghi nhận ở bệnh nhân ung thư sau hơn 10 năm triển khai liệu pháp này.
Dự định áp dụng liệu pháp này tại Việt Nam
Sau hơn 10 năm áp dụng, liệu pháp tế bào miễn dịch được đánh giá là khá hiệu quả. Năm 2013, liệu pháp này chính thức được chính phủ Nhật Bản công nhận là một phương pháp điều trị ung thư.
Để phân lập các tế bào miễn dịch và thực hiện nuôi cấy, hoạt hóa các chức năng của chúng thì các bệnh nhân sẽ được lấy 10 – 30 ml máu ngoại vi để nuôi cấy trong nôi trường đặc biệt. Sau khi đủ số lượng và có được các chức năng mong muốn (chức năng nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư) tế bào miễn dịch sẽ được truyền trở lại cơ thể người bệnh, tạo ra hàng rào tế bào miễn dịch đủ mạnh chống lại các tế bào ung thư. Hiện tại, liệu pháp này được đánh giá là khá hiệu quả, an toàn, không có tác dụng phụ vì bệnh được truyền tế bào miễn dịch được phân lập, tăng sinh và hoạt hóa từ chính bản thân người bệnh.
Dưới sự hỗ trợ trực tiếp của các chuyên gia người Nhật Bản, tại Trường ĐH Y Hà Nội, các bác sĩ đã thực hiện tách chiết, nuôi cấy và hoạt hóa tế bào miễn dịch của một số bệnh nhân ung thư và cho kết quả rất tốt, số lượng tế bào sau nuôi cấy đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng (93 – 99%). Kết quả này là giai đoạn khởi đầu quan trọng cho việc ứng dụng trong điều trị thời gian tới. Đây là lần đầu tiên, liệu pháp này được chuyển giao ứng dụng tại Việt Nam.
Phía Nhật Bản đang chuẩn bị chuyển giao 100% công nghệ tiên tiến này cho trường Trường ĐH Y Hà Nội. Liệu pháp tế bào miễn dịch giúp điều trị ung thư tạng đặc như dạ dày, ung thư vú, tiền liệt tuyến, phổi, gan, thận, đại tràng…, không áp dụng điều trị ung thư máu, TS-BS Trần Huy Thịnh (Trường ĐH Y Hà Nội) cho biết.
Nguồn: http://daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/ung-dung-te-bao-mien-dich-dieu-tri-ung-thu-357271
Bài viết tương tự
Rau càng cua có tác dụng gì? Tục Đoạn – Mua Ở Đâu? Địa Chỉ Bán Hạt Đình Lịch Tử Nguyên Chất Tác hại nghiêm trọng khi ăn nhiều táo Cây Phượng Vĩ Thảo – Dùng Như Nào? Nấm lim xanh Việt Nam có đặc điểm gì mọc ở đâu tác dụng ra sao