Tại Việt Nam, ung thư dạ dày là bệnh ung thư phổ biến hàng đầu. Nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị đơn giản, hiệu quả cao; chỉ cần nội soi hớt niêm mạc dạ dày là có thể chữa khỏi bệnh (sống sót sau 5 năm).
Tại nước ta tỷ lệ phát hiện bệnh sớm rất thấp. Ví dụ, tại Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), một năm chỉ có khoảng 30 ca được chẩn đoán ở giai đoạn sớm trong số hàng nghìn ca bệnh. Theo tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), nguyên nhân là người dân chưa có thói quen khám định kỳ để phát hiện sớm bệnh.
Tại Nhật Bản, ung thư dạ dày cũng là loại phổ biến nhất nhưng tỷ lệ chữa khỏi trên 80% do quốc gia này thực hiện chiến dịch sàng lọc sớm cho người dân trên 40 tuổi.
Phó giáo sư Thuấn cho biết, có nhiều phương pháp điều trị ung thư dạ dày như phẫu thuật (mổ mở, nội soi), truyền hóa chất, xạ trị, điều trị đích. Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh mà có thể áp dụng một hay phối hợp nhiều phương pháp khác nhau. Khi ung thư dạ dày bước vào giai đoạn muộn, người bệnh phải mổ (mở hoặc nội soi), dựa trên kết quả sau mổ bác sĩ cân nhắc phương án điều trị nội khoa tiếp theo. Những trường hợp mắc ung thư dạ dày giai đoạn 1-3 thường được chỉ định nội soi cắt dạ dày.
Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo quan trọng nhất là người dân cần hình thành thói quen khám khỏe định kỳ sau tuổi 40, trong đó có tầm soát ung thư. Những người tiền sử gia đình có người bị ung thư, đa polyp đại tràng, viêm gan B… nên khám sàng lọc sớm hơn. Với ung thư dạ dày, nên định kỳ nội soi dạ dày mỗi năm 1-2 lần, nếu kết quả bình thường thì có thể nội soi dạ dày 2 năm/lần.
Hiện tại bảo hiểm y tế cũng chưa chi trả cho các biện pháp sàng lọc này. Vì vậy, phó giáo sư Thuấn mong muốn trong tương lai bảo hiểm có thể chi trả sàng lọc phát hiện sớm không riêng gì ung thư dạ dày mà cả ung thư vú, tử cung, tụy là những bệnh dễ phát hiện ở giai đoạn sớm, chữa đơn giản.
Theo số liệu của Bộ Y tế, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.400 người ung thư dạ dày được phát hiện, dự báo tăng lên thành khoảng 11.500 ca vào năm 2020. Những người có nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày cao là những người có tiền sử viêm loét dạ dày, đau vùng thượng vị, ậm ạch khó tiêu, nôn hoặc buồn nôn… Nếu điều trị nội khoa không khỏi thì người bệnh cần tiến hành nội soi dạ dày để phát hiện ung thư.
Ung thư dạ dày giai đoạn đầu có những triệu chứng không rõ ràng, không đặc hiệu như: đau âm ỉ vùng thượng vị, ậm ạch khó tiêu, hay đầy bụng, đau bụng có hoặc không phụ thuộc vào thời tiết hoặc no hay đói.
Khi mới mắc bệnh, các triệu chứng thỉnh thoảng mới xuất hiện, dần dần thường xuyên hơn. Bệnh ung thư dạ dày kéo dài càng lâu triệu chứng càng nặng và kèm theo tình trạng gầy sút cân rõ (mất 5-6 kg trong 6 tháng), hẹp môn vị (nôn thức ăn sau 2-3 giờ hoặc nôn thức ăn bữa trưa), sờ thấy u vùng thượng vị, nôn ra máu, đại tiện phân đen…
Nguồn báo:
http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/cac-benh/ung-thu/nguoi-viet-hiem-khi-phat-hien-som-ung-thu-da-day-3608876.html
Bài viết tương tự
Những nguyên nhân suy giảm chức năng gan cần biết Mẹo trị mất ngủ ở người cao huyết áp Người ta thường tiêm phòng cho trẻ em những loại bệnh nào? Tố giác triệu chứng bệnh lupus ban đỏ Công dụng chữa bệnh ung thư của khoai lang tím Cách dùng nấm lim xanh cho bệnh nhân viêm gan