Phân loại ung thư gan
Ung thư biểu mô tuyến nguyên phát là dạng u ác tính ở gan phổ biến gồm hai loại tế bào chính là ung thư tế bào gan và ung thư tế bào đường mật. Căn cứ vào xét nghiệm mô học, ung thư gan được phân loại thành: ung thư tế bào gan, ung thư tế bào đường mật, ung thư hỗn hợp tế bào gan và tế bào đường mật, ung thư tế bào gan dạng sợi, ung thư không biệt hóa, khối u blastoma gan hiếm gặp ở người lớn.
Nguyên nhân gây ung thư gan
Một số nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh ung thư gan như:
– Do biến chứng của một số bệnh: viêm gan B, viêm gan C, xơ gan, bệnh tiểu đường và béo phì.
– Lối sống không lành mạnh: rượu bia và thuốc lá khiến gan không thể lọc hết các chất độc, lâu dần các tế bào gan bị thương tổn và bị thay thế thành mô sẹo, gây xơ gan mạn tính và dẫn tới ung thư gan, đặc biệt những người viêm gan B, C có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
– Giới tính và di truyền: nam giới do hút thuốc lá, uống rượu bia nên tỷ lệ mắc ung thư gan nhiều hơn nữ giới. Ung thư gan cũng có thể di truyền ở những người có tiền sử gia đình bị ung thư gan.
– Một số nguyên nhân khác: do sử dụng thực phẩm bị nấm mốc (ngô, lạc, lúa mì, đậu nành) chứa aflatoxin, chất Steroid hoặc dùng nhiều nước nhiễm asen trong thời gian dài.
Dấu hiệu của bệnh ung thư gan
– Giai đoạn sớm: người bệnh có biểu hiện ăn không ngon, ăn ít, đầy bụng, khó tiêu, đại tiện khó khăn, đôi lúc cảm thấy đau hoặc tức hạ sườn, cơ thể mệt mỏi, sốt nhẹ nhưng tự khỏi, sụt cân, có thể sờ thấy khối u vùng hạ sườn phải hoặc khám sức khỏe định kỳ phát hiện bệnh.
– Giai đoạn muộn hơn: người bệnh có biểu hiện đau vùng gan, bụng trên đầy tức, thường kèm theo những triệu chứng rối loạn tiêu hóa, chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Thời kỳ cuối có triệu chứng mệt mỏi, sút cân, sốt và xuất huyết.
Ngoài ra, thời kỳ cuối kích thước gan to hơn ở hạ sườn phải hoặc chiếm cả phần bụng trên, mật độ cứng, bề mặt gồ ghề, ấn đau kèm theo lách to và là kết quả của xơ gan; cổ trướng, dịch báng thường màu vàng cỏ úa hoặc màu đỏ (có máu), thuốc lợi tiểu thường không có hiệu quả và da vàng do tế bào hủy hoại, mạch sao.
Xét nghiệm chẩn đoán ung thư gan
Chẩn đoán bằng nhiều phương pháp như sinh thiết, chẩn đoán hình ảnh, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) và AFP.
Điều trị bệnh ung thư gan như thế nào?
Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe chung của người mắc, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị thích hợp. Các trường hợp có khối u nhỏ đơn độc, chức năng gan còn tốt có thể phẫu thuật cắt bỏ khối u, nhưng hầu hết những người mắc ung thư gan đều bị xơ gan và không cắt được. Bệnh nhân giai đoạn muộn, điều trị chủ yếu là chống đau và chăm sóc triệu chứng. Ngoài ra, người bệnh có thể được điều trị tiêm cồn hoặc hóa chất động mạch gan.
– Phẫu thuật điều trị ung thư gan: áp dụng cho trường hợp bị ung thư gan nguyên phát khi một phần gan bị ung thư xâm lấn và phần còn lại vẫn có thể đảm bảo chức năng tốt. Một số trường hợp được thực hiện ghép gan bằng cách phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ gan khi u còn nhỏ và thay thế bằng gan của người khác.
– Phương pháp diệt tại chỗ: tiêm cồn tuyệt đối và axit acetic qua da vào khối u, được áp dụng cho các trường hợp khối u có đường kính dưới 5 cm. Tế bào ung thư sẽ bị phá hủy bởi cồn và axit. Hiện nay, Việt Nam đã áp dụng TOCE – một phương pháp mới điều trị ung thư gan hiệu quả. Phương pháp này sẽ chụp và xác định mạch máu nuôi khối ung thư, qua đó bơm hóa chất chống ung thư vào và làm tắc động mạch nuôi khối u, không có máu nuôi u sẽ tạm thời ngưng phát triển, kết hợp hóa chất chống ung thư để diệt bớt một phần tế bào ung thư
– Diệt bằng tia laser hoặc đốt nhiệt sóng cao tần: ánh sáng tia laser hoặc sóng cao tần truyền qua một chiếc kim được cắm qua da vào trung tâm khối u, làm nóng tế bào ung thư và tiêu diệt chúng.
– Điều trị ung thư gan bằng hóa trị: các trường hợp không còn khả năng phẫu thuật cắt u sẽ sử dụng thuốc chống ung thư tiêm tĩnh mạch hoặc bơm trực tiếp vào động mạch gan nuôi khối u. Hóa trị liệu chia làm từng đợt điều trị trong một số ngày, mỗi đợt truyền hóa chất sẽ nghỉ vài tuần để cơ thể hồi phục sau những tác dụng phụ của điều trị. Số lần thực hiện phụ thuộc vào loại ung thư gan và mức độ đáp ứng với điều trị của người bệnh.
– Xạ trị: sử dụng các loại tia năng lượng cao để phá hủy các tế bào ung thư biểu mô đường mật, còn ung thư tế bào gan ít khi được áp dụng.
Người mắc ung thư gan sống trung bình từ khi phát hiện khoảng 6 tháng, trong đó chỉ có khoảng 1% người ung thư gan có cơ hội sống sót sau 5 năm bởi đây là bệnh có tiên lượng xấu.
Cách phòng ngừa bệnh ung thư gan
Giảm gánh nặng cho gan là cách tốt nhất để phòng ngừa ung thư gan. Thực hiện lối sống lành mạnh, hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng thực phẩm tươi sạch, thường xuyên vận động thể chất giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp tầm soát ung thư gan, phát hiện bệnh sớm để có giải pháp điều trị kịp thời và hợp lý, chích ngừa viêm gan siêu vi B giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm gan B – một trong những nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan.
Nguồn báo:
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/biet-de-khoe/20170526/can-biet-ve-ung-thu-gan/1321113.html
Bài viết tương tự
Bệnh đột quỵ Trật khớp ngón tay Viêm dây chằng Giả phình mạch Định lượng procalcitonin (PCT) Cách chữa yếu sinh lý ở nam giới với nấm lim xanh Tiên Phước