TẠP CHÍ UNG THƯ VIỆT NAM

Phòng chống ung thư hiệu quả bằng 7 cách

Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có 150.000 ca mắc mới, khoảng 70.000 người tử vong về bệnh ung thư. Đây là con số báo động và đẩy Việt Nam lên top những nước có số lượng người mắc bệnh ung thư cao nhất thế giới.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 1/3 số ung thư có thể dự phòng; 1/3 số ca có khả năng điều trị thành công nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp; 1/3 số ca ung thư còn lại người bệnh kéo dài và nâng cao chất lượng cuộc sống nếu được chăm sóc và điều trị tích cực. Tuy nhiên, thực tế ở nước ta có rất ít bệnh nhân ung thư được chẩn đoán và điều trị sớm, hầu hết đều phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, các tế bào ung thư đã di căn và biến chứng.

Dưới đây là 7 cách phòng chống ung thư được bác sỹ khuyến cáo nên thực hiện.

Không hút thuốc lá

90% ca mắc bệnh ung thư phổi liên quan đến thuốc lá. Khói thuốc lá chứa trên 40 chất gây ung thư như benzopyren, nitrosamin, cadmium, nickel, urethan, toluidin… Trong đó, 3-4 Benzopyren là chất có khả năng gây ung thư trên thực nghiệm.

Ngoài ra, thuốc lá còn là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh ung thư khác trên họng, thanh quản, tuyến tụy, tử cung, cổ tử cung, thận… và đây cũng là nguyên nhân chính của các bệnh gây tử vong hàng đầu như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Theo thống kê, người hút thuốc lá có nguy cơ mắc và chết do ung thư phổi và thanh quản cao gấp 10 đến 30 lần so với người không tiếp xúc với khói thuốc. Những nguy hại do hít phải hơi thuốc lá của người khác hút (hút thuốc thụ động) cũng không kém phần nguy hiểm. Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc chứa nhiều chất độc cao gấp 21 lần so với khói thuốc. Người hút thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc các loại bệnh liên quan đến hút thuốc lá như bệnh tim mạch, hô hấp và ung thư như chính người hút.

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Không ăn thực phẩm bị nhiễm mốc, hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản, tăng trọng. Chất bảo quản, chất nhuộm màu thực phẩm có nguồn gốc hóa học, các chất trung gian chuyển hóa và sinh ra từ thực phẩm bị nấm mốc, lên men là nguyên nhân gây ra nhiều loại ung thư đường tiêu hóa như dạ dày, gan, đại tràng… Ước tính yếu tố này gây ra đến 35% các loại ung thư.

Thịt hun khói, cá muối, mắm và dưa muối, cà muối, nhất là dưa khú có nhiều muối nitrat, nitrit và nitrosamine…, các chất gây ung thư thực quản và dạ dày.

Môi trường sống trong sạch

Theo giáo sư Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), thuốc trừ sâu diệt cỏ là yếu tố nguy cơ gây ung thư vú và một số loại ung thư khác. Chất độc màu da cam (dioxin) không chỉ gây nên các dị tật bẩm sinh mà còn là yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây ung thư, làm tăng tỷ lệ ung thư gan, máu, hạch, phần mềm.

Một tác nhân gây bệnh nữa là hóa chất sử dụng trong công nghiệp. Ước tính nhóm nguyên nhân này gây ra khoảng 2-8% các loại ung thư.

Sinh đẻ có kế hoạch

Hạn chế số bạn tình và sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Càng có nhiều bạn tình thì khả năng cao mắc bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục như HIV hoặc HPV- virus gây u nhú ở người. Những người nhiễm HIV hoặc AIDS có nguy cơ bị ung thư hậu môn, gan và phổi cao.

Tiêm văcxin phòng viêm gan B, HPV đúng thời hạn

Một số virus, vi khuẩn có thể gây ung thư. Chẳng hạn, virus viêm gan B là nguyên nhân gây ung thư gan nguyên phát. Để phòng bệnh nên tiêm văcxin phòng viêm gan B, văcxin HPV phòng ung thư cổ tử cung.  Do đó, tiêm vắc xin là cách phòng chống ung thư đặc biệt cần được thực hiện.

Tích cực rèn luyện sức khỏe

Phòng chống ung thư bằng việc thể dục thể thao đều đặn

Mỗi người cần có chế độ tập luyện đều đặn, giữ cân nặng ở mức lý tưởng giúp phòng bệnh ung thư và nhiều bệnh khác như tim mạch. Các hoạt động giải trí cường độ nặng gồm bóng rổ, bóng đá, tennis, bóng chuyền, cầu lông, chạy… Còn Đạp xe, đi bộ, dưỡng sinh, khiêu vũ được xếp vào nhóm hoạt động thể thao vừa phải. Người dân cần tránh thói quen tĩnh, hành vi tĩnh như ngồi chơi thư giãn, xem tivi, ngồi xe đạp, nằm võng, ngồi tàu…trong khoảng thời gian kéo dài vài tiếng đồng hồ liên tục.

Thực hiện khám sức khỏe định kỳ

Nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần nhằm phát hiện sớm nhiều bệnh, trong đó có ung thư. Ung thư hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng phương pháp. Khám sức khỏe phụ khoa định kỳ, làm các xét nghiệm giúp phát hiện sớm các tổn thương có nguy cơ cao biến thành ung thư, điều trị tiền ung thư.

Nguồn báo: VnExpress

Xem thêm:

Bài thuốc nam chữa bệnh ung thư cổ tử cung hiệu quả Phụ nữ mang thai có dùng được nước hồng sâm hay không? Cây đậu tương có tác dụng gì?-Chú ý gì khi sử dụng đậu tương Cây chuối hột chữa bệnh tiểu đường cho kết quả vượt mong đợi Cách chữa bệnh đau khớp, viêm khớp bằng lá lốt Cách chế biến nấm lim xanh chữa bệnh ung thư cây nấm lim rừng
5/5 - (79 bình chọn)
Exit mobile version