Những biểu hiện của bệnh ung thư đại tràng
Phần lớn người bệnh ung thư đại tràng phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn bởi triệu chứng ban đầu của bệnh không đặc trưng. Khi xuất hiện các triệu chứng như táo bón, đi ngoài như bị kiết lỵ, đi ngoài ra máu và đặc biệt là cân giảm bất thường thì cần đi thăm khám ngay bởi đó có thể là những dấu hiệu của bệnh ung thư đại tràng.
Cần lưu ý đến triệu chứng đi ngoài ít một như bệnh kiết lỵ bởi đó là dấu hiệu cho thấy phân gặp phải những vật cản khác trong đường tiêu hóa trên đường đào thải ra ngoài khiến cho hình dạng và kích cỡ của phân bị biến dạng, thay đổi. Vật cản có thể là khối u đang hình thành trong ruột kết. Bên cạnh đó, nếu phân đi qua khối u còn gây nên hiện tượng chảy máu. Vì vậy, một trong những biểu hiện ung thư đại tràng nữa là đi ngoài ra máu.
Trong thời kỳ đầu, ung thư đại tràng có thể gây đau âm ỉ, bệnh nhân có thể chịu đựng được hoặc đau nhiều thành cơn. Đôi khi, bệnh nhân không có biểu hiện đau nhưng lại có cảm giác nặng bụng. Tổn thương ung thư không phải lúc nào cũng ở dưới điểm đau, có khi điểm đau có thể xuất hiện ở hố chậu phải nhưng ung thư đại tràng lại ở bên trái. Sau cơn đau thường xuất hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
Bệnh ung thư đại tràng có những dấu hiệu dễ nhầm lẫn với bệnh kiết lỵ như đi đại tiện lỏng ngày 4-5 lần, trong phân có lẫn máu và mủ. Biểu hiện của bệnh nhân ung thư đại tràng không giống nhau, có người bị táo bón, người bị tiêu chảy, có bệnh nhân xen kẽ cả những đợt táo bón và tiêu chảy.
Những đối tượng có nguy cơ mắc ung thư đại tràng
Những người có nguy cơ bị ung thư đại tràng như:
– Người bị viêm loét đại tràng lâu ngày hoặc chế độ ăn uống hàng ngày nhiều chất béo, ít chất xơ.
– Những người có tiền sử gia đình (bố mẹ hoặc anh, em ruột) bị ung thư đại trực tràng (nguy cơ cao gấp 2-3 lần người bình thường).
– Người lao động chân tay có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn người lao động trí óc; ở đồng bằng, nông thôn số người bị bệnh nhiều hơn ở thành thị.
– Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh polyp rải rác ở đại tràng hoặc đại tràng có viêm loét chảy máu.
Phòng tránh bệnh ung thư đại tràng
Cách phòng bệnh ung thư đại tràng tốt nhất là duy trì chế độ ăn uống hợp lý và sinh hoạt khoa học. Hạn chế ăn thịt đỏ và thịt đã qua chế biến có mỡ động vật như jăm-bông, thịt hun khói, xúc xích, đồ ăn nhanh. Mỗi tuần nên ăn 500 gam thịt đã nấu với nhiều rau xanh, hoa quả tươi mỗi bữa. Cùng với đó là tăng cường sức khỏe và nâng cao sức đề kháng bằng thói quen tập luyện thể dục thể thao, vận động hàng ngày.
Trung bình mỗi năm, Việt Nam có thêm 200.000 ca mắc mới và 70.000 ca tử vong do ung thư, trong đó ung thư đại tràng nằm trong danh sách hàng đầu. Do đó, việc phòng chống ung thư trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, bệnh cần được phát hiện sớm để có biện pháp can thiệp kịp thời. Phẫu thuật là phương pháp được áp dụng chủ yếu trong điều trị ung thư đại tràng, nếu phẫu thuật thì chỉ phẫu thuật một lần là tốt nhất.
Để phát hiện sớm ung thư đại tràng, nội soi đại trực tràng định kỳ là cách tốt nhất. Trong trường hợp bác sĩ phát hiện có polyp đại trực tràng cũng phải mất từ 5 đến 10 năm polyp mới chuyển sang ung thư, do đó thăm khám định kỳ sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc theo dõi và điều trị trước khi chúng tiến triển thành ung thư. Những người trong độ tuổi từ 45 đến 50 tuổi nên tiến hành nội soi đại trực tràng 5 năm/lần. Những người có nguy cơ mắc bệnh cao cần thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Nguồn báo:
http://daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/ung-thu-dai-trang-va-cach-phong-tranh-364589
Bài viết tương tự
Cơn ho khan kéo dài ở người lớn có đáng lo ngại không? Cách xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho người già 6 tác dụng vàng của rau cải xanh cho sức khỏe Sự thật thú vị về 12 động vật dưới nước không phải ai cũng biết! 5 lý do tại sao bạn không nên uống nước vitamin Nấm lim xanh chữa bệnh ung thư xương trong thời gian ngắn