Không chỉ riêng ung thư vòm họng, ung thư bất cứ phần nào cũng luôn là một căn bệnh nguy hiểm rất khó chữa trị. Ban đầu khi phát hiện bị ung thư, hầu hết các bệnh nhân đều bất ngờ, bần thần tới tuyệt vọng, tuy nhiên cũng có những bệnh nhân có tâm lý vững vàng, vượt qua được sự sợ hãi và đối mặt với bệnh tật. Đó chính là những người có khả năng chung sống hòa bình với ung thư. Thực tế đã chứng minh chỉ cần nắm trong tay phép thắng lợi tinh thần, bạn đã nghiễm nhiên sở hữu 50% cơ hội chiến thắng căn bệnh “báo tử”. 50% còn lại phụ thuộc vào 4 điều kiện cần liên quan tới tài chính, người thân, phương pháp trị liệu và lối sống của bạn.
Khả năng tài chính vững vàng
Ung thư là một trong những bệnh có chi phí điều trị tốn kém bậc nhất, đó cũng là mối lo ngại của nhiều gia đình bệnh nhân ung thư, khiến cho nhiều bệnh nhân phải bỏ cuộc chờ chết . Điều trị ung thư nói chung, không riêng gì ung thư vòm họng thường tốn kém không ít tiền của, thậm chí “vắt kiệt” năng lực tài chính của nhiều gia đình. Phát hiện bệnh càng sớm, khả năng chữa khỏi càng cao, số tiền bỏ ra sẽ ít hơn. Ngược lại, với các trường hợp phát hiện quá muộn, cơ hội sống sẽ bị rút ngắn trong khi số tiền chữa trị lại cao hơn gấp nhiều lần. Theo thống kê, trung b́ình mỗi năm, nước ta có khoảng 150.000 người mắc bệnh ung thư và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư. Nghiên cứu mới nhất của Bộ Y tế cũng cho biết, ung thư là 1 trong số 10 nguyên nhân gây nên gánh nặng bệnh tật hàng đầu ở Việt Nam với khoảng 200.000 bệnh nhân đang điều trị. Chính vì hầu như không biểu hiện triệu chứng đặc thù nào trong các giai đoạn đầu ủ bệnh, phần lớn người mắc ung thư vòm họng chỉ phát hiện bản thân bị bệnh khi đã bước qua giai đoạn cuối cùng. Trong giai đoạn này, bệnh sẽ phát tác mạnh mẽ đòi hỏi phải điều trị bằng những phương pháp hết sức tốn kém như xạ trị, hóa trị, khiến người bệnh và gia đình họ rơi vào tình trạng kiệt quệ chỉ sau một thời gian ngắn. Do đó, nếu muốn chung sống hòa bình với căn bệnh được mệnh danh là tốn kém nhất thế giới như ung thư, người bệnh trước tiên cần có năng lực tài chính vững vàng để đáp ứng mọi phác đồ điều trị nhằm kéo dài sự sống.
Động viên tinh thần là điều người bệnh cần có nhất
Khi điều trị ung thư vòm họng, người bệnh không thể tránh khỏi những lúc quyết tâm bị lung lay. Lỡ thả mình vào chán nản, tuyệt vọng mà tự thân chẳng thể thoát ra nổi lâu dần sẽ làm bạn bị trầm cảm, ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả điều trị bệnh. Nếu luôn có sự hỗ trợ, động viên tinh thần kịp thời, đúng lúc của bạn bè, người thân, bạn sẽ dễ dàng vượt qua những giây phút ấy, đồng thời có thêm sức mạnh đương đầu với bệnh tật. Điều quan trọng là bạn phải không ngại thể hiện tâm tư, bày tỏ cảm xúc thay vì che giấu nó, có thế những người xung quanh mới thấu hiểu và cùng bạn chia sẻ nỗi niềm riêng, từng bước vực dậy tinh thần của bạn.
Phải có phác đồ điều trị tối ưu
Căn cứ vào giai đoạn, diễn biến và thể trạng của người bệnh của ung thư vòm họng mà bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh. Xạ trị, hóa trị và phẫu thuật là ba phương pháp được sử dụng phổ biến trong điều trị ung thư vòm họng. Trong đó, xạ trị là phương pháp cơ bản chỉ định dùng cho các giai đoạn sớm như u ở trong giới hạn của vòm, u lan tới tổ chức phần mềm của họng miệng hoặc hốc mũi…; hóa trị có vai trò bổ trợ trong điều trị, nhất là với các ca di căn; còn phẫu thuật được chỉ định trong những trường hợp đặc thù. Ngoài ra, một số phương pháp mới như miễn dịch trị liệu hay điều trị đích đang được nghiên cứu để áp dụng vào quá trình điều trị bệnh.
Nếu tinh ý phát hiện sớm, cộng thêm việc phối hợp điều trị theo đúng phác đồ, người bệnh hoàn toàn có thể chiến thắng ung thư trong nay mai, trực tiếp giành lại sự sống cho mình.
Cần có lối sống khoa học, lành mạnh
Thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác là một trong các nguyên nhân dễ dẫn tới ung thư vòm họng. Do đó nhóm người thường xuyên sử dụng sẽ có nguy cơ cao mắc phải. Tuy nhiên khi đã mắc bệnh rồi không nên có tâm lý “Đằng nào cũng bị, chẳng sống mấy nữa, hút, uống thoải mái thôi, bởi tiếp tục như vậy sẽ khiến sức khỏe của bạn không thể vãn hồi, tình trạng bệnh không thể cải thiện cho dù các bác sĩ đã dốc lòng cứu chữa. Một khi xác định chung sống hòa bình với ung thư vòm họng, người bệnh cần tìm đến một lối sống khoa học và lành mạnh mà ở đấy không có sự hiện hữu của khói thuốc, của mùi cồn, tìm đến một không gian sống trong lành, đầy màu xanh, hạn chế tối đa ô nhiễm và khói bụi. Nếu bạn cảm thấy khỏe, đừng quên vận động nhẹ nhàng bằng các hình thức phù hợp như đi bộ, yoga, nhảy cổ điển, bơi lội… theo tư vấn của bác sĩ chủ trị để nâng cao thể lực, thư giãn tinh thần!
Đặc biệt hơn với những người mắc ung thư vòm họng càng nên chú trọng ăn uống nhằm hỗ trợ tốt hơn cho quá trình điều trị và phục hồi sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, tránh viêm nhiễm và biến chứng nguy hiểm. Thức ăn cho người bị ung thư vòm họng ưu tiên những thực phẩm thanh đạm, giàu dinh dưỡng và dễ nuốt, dễ tiêu như sữa, cháo, súp, canh…, hạn chế các đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, thực phẩm lên men, chế biến sẵn… Thay vì chia ra 3 bữa chính, bệnh nhân có thể ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, ăn từ từ từng miếng để cổ họng dễ chịu hơn. Cùng với đó, người bệnh cần ăn nhiều rau củ, trái cây, uống nhiều nước trái cây, điển hình là rau chân vịt, mướp đắng, khoai lang, măng cụt, dưa hấu, nước ép lê, nước ép cà rốt… mới mong đảm bảo dinh dưỡng toàn diện, góp phần cải thiện những phản ứng bất lợi sau khi điều trị.
Phải có đủ nghị lực
Nghị lực lớn chính là yếu tố quan trọng nhất giúp người bệnh vượt lên chính mình, vượt lên nỗi sợ hãi, vượt lên bệnh tật. Sức mạnh tinh thần trong mỗi con người đều vô cùng to lớn mà bình thường ta không hề hay biết, chỉ đến khi gặp trường hợp đặc biệt, ta mới khám phá ra sức mạnh thực sự của mình. Hãy dùng nghị lực, niềm tin và thái độ lạc quan để mở ra cánh cửa sức mạnh giúp bạn chiến thắng ung thư vòm họng, giành lại sự sống từ tay tử thần.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Bài viết tương tự
Tìm hiểu tác dụng phụ của thuốc chữa đái tháo đường type 2 Sinh mổ nên ăn rau gì? Gợi ý 6 loại rau giúp mẹ nhanh hồi phục Khi bác sĩ nói bạn bị ung thư Thoái hóa điểm vàng AMD Hướng dẫn giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân tăng huyết áp Nấm lim xanh giá bao nhiêu 1kg và cách phân biệt nấm lim thật giả