Nguyễn Đức Thái – cố vấn khoa học và giảng viên Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, trò chuyện với PV về tiềm năng ứng dụng tế bào tua thành một phương pháp điều trị ung thư mới ở Việt Nam, đây là một thành tựu đã được khẳng định của y học thế giới.
Ralph Steinman là người đầu tiên khám phá ra và từ năm 1973 cho tới nay, đã có gần 100.000 báo cáo khoa học về tế bào tua (Dendritic Cell – DC) với những kết quả có ý nghĩa quan trọng về nghiên cứu và ứng dụng trị liệu; có thể tóm lược như sau:
Về nghiên cứu chức năng, DC có khả năng tóm bắt và trình diện các kháng nguyên của vi, siêu vi và quan trọng là cho các kháng nguyên của tế bào ung thư rất cao và mạnh hơn những tế bào miễn dịch thông thường khác như đại thực bào hoặc tế bào lympho B. Ngoài ra, DC có tính di động rất cao, DC có thể đi nhiều nơi trong cơ thể để bắt và mang các kháng nguyên lên tuyến T.
Tại đây, DC sẽ đào tạo một số lượng lớn tế bào T [một trong ba loại tế bào chuyên biệt của hệ miễn dịch] có khả năng tới khắp mọi vùng trong cơ thể để nhận diện và tiêu diệt các tế bào ung bướu. Ngoài ra, DC có khả năng nhận diện một số lớn vi khuẩn của cả hai loại gram (+) và (-), và điều này cho thấy DC đóng một vai trò rất quan trọng về phòng chống các bệnh nhiễm trùng.
Về trị liệu, phương pháp ngoại vi (ex-vivo) thường được áp dụng qua việc nuôi cấy tế bào DC từ máu bệnh nhân và cho tiếp cận với kháng nguyên cũng từ ung bướu của người bệnh với những yếu tố tăng sinh tế bào, sau đó là kích hoạt để tạo thành nhóm DC có hoạt tính chống ung thư mạnh. Các DC hoạt tính này được truyền trở lại cho bệnh nhân để gây hiệu ứng miễn dịch trị liệu.
Phương pháp ngoại vi dùng đơn bào từ máu cuống rốn, hoặc máu bệnh nhân để sản xuất DC hoặc tế bào gốc tạo máu; hoặc có thể dùng tế bào máu DC ngoại biên của bệnh nhân, tuy nhiên số lượng tế bào thu được thường rất nhỏ. Hình 1 mô tả qui trình dùng phương pháp ngoại vi.
Tương tự, kháng nguyên của virus gây bệnh AIDS đã được dùng để kích hoạt DC ngoại vi và truyền lại để chủng ngừa cho bệnh nhân.
Gần đây, phương pháp nội vi (in-vivo) không ly trích DC mà dùng các kháng thể chuyên biệt của DC mang kháng nguyên ung bướu để truyền thẳng cho bệnh nhân. Cả hai phương pháp đều đang được nghiên cứu sâu rộng để hoàn chỉnh cho ứng dụng trị liệu.
* Vì sao ông cho rằng hiện nay nếu dùng tế bào miễn dịch trị liệu ung thư thì tế bào tua là tiềm năng và giá trị nhất?
Với đà phát triển của ngành miễn dịch học, có rất nhiều ứng dụng trị liệu cho ung thư. Trong đó có ứng dụng tế bào trị liệu gồm tế bào gốc, tế bào Tcyt độc tính, Treg điều hoà, NK sát thủ và DC. Hiện nay, DC được coi là giá trị nhất vì như nói trên, DC nắm vai trò điều hòa toàn thể các tế bào của hệ miễn dịch. Trong thực hành, trị liệu DC có độ an toàn cao so với các trị liệu ung thư khác.
Đây chính là yếu tố nổi trội của DC khi chúng ta phải chọn lựa giải pháp an toàn cho bệnh nhân, vì các trị liệu ung bướu như hóa và xạ trị thường gây những phản ứng phụ nguy hại. So với việc dùng tế bào gốc, DC là loại tế bào đã biệt hóa ổn định nên việc kiểm soát chức năng và hiệu quả trị liệu đơn giản và an toàn hơn.
Cho tới nay đã có trên 1.000 thử nghiệm lâm sàng dùng DC và chưa có tai nạn đáng kể nào xảy ra (với trên 150 ca vào giai đoạn 3 và gần 600 ca trong giai đoạn 2); các thử nghiệm DC để trị liệu nhiều loại ung bướu gồm u ác tính, u tuyến tiền liệt, ung thư thận di căn, ung thư ngực, ruột, não bộ và một số bệnh ung thư máu.
Tuy nhiên trong trào lưu tiến triển rất nhanh và đa dạng của ngành miễn dịch học hiện đại, chúng ta cần tiếp cận nhanh chóng những thay đổi và đánh giá xác đáng để cập nhật thích hợp cho những ứng dụng cần thiết và tốt đẹp.
Gần đây, song song với DC, các kết hợp với kháng thể đơn dòng, các phương pháp sinh học hỗ trợ dùng CpG, cytokines đang mang lại định hướng mới cho trị liệu DC. Nhìn xa hơn, những tiến triển mới về tế bào T gồm Tcyt chuyển gene, hoặc TBG chuyển gene đang dẫn đến những thử nghiệm lâm sàng cho phương pháp điều trị ung thư mới cũng rất phấn khởi.
Nguồn:http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/te-bao-tua-phuong-phap-tri-lieu-ung-thu-moi-537009.html
Bài viết tương tự
Uống nhiều rau má có tốt không? Đan Sâm Tốt Cho Người Viêm Tắc Tĩnh Mạch Cường Tâm Kiện Não Nhờ Nấm Linh Chi Hướng dẫn cách trồng Giảo Cổ Lam Cỏ Xước Hỗ Trợ Lợi Tiểu Nấm lim xanh chữa ung thư phổi cách chế biến nấm lim xanh rừng